Tăng cường liên kết doanh nghiệp Việt với chuỗi giá trị toàn cầu

Đầu tư - Ngày đăng : 11:05, 29/11/2018

(BKTO) - Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam với chủ đề “Tăng cường liên kết của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức ngày 28/11, tại TP.Hồ Chí Minh.


Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước dự kiến đạt 240 tỉ USD, tăng 10%- 12% so với năm 2017. Đến hết tháng 10/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 200 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực trong nước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 143,45 tỷ USD, tăng 13,2%.
                
   

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Diễn đàn

   
Các chuyên gia cho rằng, thị trường xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt, FTA Việt Nam- EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu. Giải pháp hữu hiệu cho các DN là phải tận dụng hiệu quả hơn các FTA đã ký kết.

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bởi hàng hóa không đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, cũng như các tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại, Diễn đàn được tổ chức nhằm làm rõ hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản x uất khẩu.
                
   

Quang cảnh Diễn đàn

   
Dẫn ra Luật FISMA- luật tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ- ông Nguyễn Huy, Giám đốc Bureau Veritas Viet Nam Head Office cho biết, Luật này quy định những điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng, trong đó doanh nghiệp phải có cá nhân đã tham gia vào khóa học được phía Mỹ thừa nhận và chứng minh được rằng doanh nghiệp đủ năng lực để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó mới tính đến chuyện xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Khi áp dụng Luật FISMA thì thực tế nhiều nông sản nhỏ lẻ của Việt Nam không chứng minh được nguồn gốc cũng như đơn vị chế biến do được thu mua, tập hợp từ nhiều nhà sản xuất quy mô nhỏ và rất nhỏ, điều này không đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
                
   

Nhiều nông sản Việt đã xuất khẩu ra thế giới, trong đó có thị trường Mỹ

   
Do đó, theo các chuyên gia, phía Việt Nam cần có hướng đi phù hợp, chủ động tiếp xúc với phía Mỹ để đạt được chứng nhận của Mỹ thông qua việc được cấp giấy chứng nhận, công nhận cho các tổ chức đánh giá tại Việt Nam, từ đó mở cánh cửa xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cho doanh nghiệp Việt.

Theo ông Ron Ashkin- Giám đốc Dự án USAID LinkSME, rào cản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay là công nghệ, nhân lực, năng lực cạnh tranh… còn hạn chế. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, dự án USAID LinkSME được thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác uy tín nước ngoài.
         
Trong khi hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa cung ứng sản phẩm được cho doanh nghiệp nước ngoài.
QUỲNH ANH