Cần thêm nhiều động lực để tín dụng “bứt tốc”
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 20:01, 31/07/2024
Tín dụng có những dấu hiệu cải thiện
Đảm bảo cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2024. Thực hiện nhiệm vụ này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động tăng trưởng tín dụng.
NHNN liên tục có các văn bản chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong năm 2024.
Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, NHNN đã phối hợp với chính quyền địa phương để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng đối với từng ngành nghề. Các ngân hàng thương mại cũng tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tích cực triển khai các chương trình tín dụng, tiết giảm chi phí vì mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng…
Nhờ đó, đến đầu tháng 7, tín dụng tăng 6% so với cuối năm 2023. Mức tăng trưởng này phản ánh các dòng tiền, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa có xu hướng tích cực hơn - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Điều đáng nói, tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có tốc độ tăng 2,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; công nghệ cao tăng 18,16%...
Với bất động sản, tính đến cuối tháng 5, tín dụng lĩnh vực này tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39 - 40% tổng tín dụng bất động sản…
Tại nhiều ngân hàng, tín dụng cũng ghi nhận những tín hiệu cải thiện. Theo ông Trần Bình Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (Vietinbank), đến ngày 22/7, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 7%. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) - ông Kim Byoungho - chia sẻ, đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng của HDBank đạt hơn 382 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dư nợ tại nhiều nhà băng: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng 14,2%. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,4%. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,2% trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) có tăng trưởng dư nợ đạt 10%, cao hơn bình quân hệ thống…
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%
Với đà tăng trưởng tín dụng của tháng 6, cùng những biện pháp và chương trình hành động, Phó Thống đốc Đào Minh Tú kỳ vọng từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Thêm cơ sở để kỳ vọng vào tín dụng những tháng cuối năm khi kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD do Vụ Dự báo thống kê, NHNN công bố cho thấy, các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu tín dụng được cải thiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2024, tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhu cầu vay của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 4 động lực tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong năm 2024 và dự kiến 2025 được đưa ra là các ngành: bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; thép và kim loại khác; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Từ ngày 01/07/2024 mức lương cơ sở tăng, góp phần cải thiện tâm lý tiêu dùng của người dân, giúp người dân tự tin tiêu dùng hoặc vay vốn tiêu dùng, đẩy tín dụng gia tăng trong thời điểm hiện tại. Tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm, chắc chắn sẽ cao hơn nửa đầu năm. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, sẽ còn nhiều khó khăn.
PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra từ đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, NHNN đang trình Chính phủ sửa đổi cơ chế của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội theo hướng nâng mức ưu đãi cho người mua nhà: Lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (hiện tại là thấp hơn 1,5-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần).
Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.
NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh cho vay liên kết, hệ thống, chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa.
Chính sách gia hạn nợ mà không chuyển nhóm nợ là một giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc này có thể đẩy nợ xấu về tương lai.
TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thúy Hạnh - Phó Tổng Giám đốc điều hành Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - khuyến nghị: Các ngân hàng cần tăng cường số hóa để mở rộng cơ sở khách hàng đến những doanh nghiệp chưa được phục vụ, thúc đẩy các sản phẩm tài chính bền vững và cho vay/tiền gửi xanh để đáp ứng nhu cầu tiền gửi ngày càng tăng.
Bên cạnh các giải pháp từ ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng, quy trình phê duyệt hợp lý đối với các dự án FDI sẽ giúp đẩy nhanh dự án nhằm tạo ra nhu cầu tín dụng mới từ các dự án đó. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh phê duyệt quy định cho các dự án bất động sản, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng./.