Nhiều doanh nghiệp xây dựng phải hoạt động cầm chừng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 05:56, 01/08/2024
54,4% doanh nghiệp hoạt động dưới 70% năng lực
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, có 21,1% doanh nghiệp xây dựng đánh giá, trong quý II/2024, doanh nghiệp phải hoạt động dưới 50% năng lực thực tế; đồng thời có 33,3% doanh nghiệp cho biết, năng lực hoạt động của họ chỉ từ 50% đến dưới 70% năng lực và 26,6% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 70% đến dưới 90% năng lực. Chỉ có 16,7% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 90 đến 100% và 2,3% doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp hoạt động trên 100% năng lực thực tế của doanh nghiệp.
Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng phải hoạt động dưới mức năng lực thực tế rất cao. Hợp đồng xây dựng mới giảm, hệ lụy kéo theo là những biến động của các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có sử dụng lao động, chi phí sản xuất…
Theo kết quả khảo sát, có 75,8% doanh nghiệp xây dựng đã vay ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh quý II/2024. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 39,7% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi. Như vậy, có tới 60,3% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi. Tình hình vay vốn cũng không mấy thuận lợi khi 22,5% doanh nghiệp chia sẻ việc vay vốn khó khăn hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ, trong quý II vừa qua, hơn 78% doanh nghiệp cho biết số lao động trong doanh nghiệp đã không thay đổi hoặc giảm so với quý I, chỉ có 21,9% doanh nghiệp nhận định số lao động trong doanh nghiệp tăng. Đáng chú ý, lực lượng lao động thường xuyên trong các doanh nghiệp xây dựng cũng tăng không nhiều, chỉ 9,5%. Trong khi số lao động thường xuyên vẫn giữ nguyên không đổi tại 79,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát và số lao động thường xuyên đã giảm tại 11% số doanh nghiệp. Số lao động thời vụ cũng giữ nguyên hoặc giảm tại 79,5% số doanh nghiệp xây dựng.
Khó khăn chồng khó khăn khi có 39,9% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng và 44,5% nhận định không thay đổi so với quý I/2024. Cùng với đó, 47,3% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động xây dựng tăng, đây là chi phí luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp xây dựng. Số doanh nghiệp chia sẻ khoản chi phí này giảm trong quý II chỉ là 16,2%.
Chỉ tiêu quan trọng nữa minh chứng thêm cho những khó khăn của doanh nghiệp ngành xây dựng là về hợp đồng xây dựng mới, có tới 50,1% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới không đổi và 25,8% doanh nghiệp cho biết số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm so với quý I.
Dự báo quý III/2024, có 17,6% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý II/2024; 30,1% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng. Đồng thời với 24,6% doanh nghiệp nhận định số lượng lao động tăng; 40,3% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp tăng và 46,7% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp cũng tăng.
Đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp
Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh quý II, có 42,9% doanh nghiệp xây dựng nhận định giữ ổn định so với quý I và 30,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Cụ thể, có 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”. Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 47,1% số doanh nghiệp lựa chọn; yếu tố thứ hai là “không có hợp đồng xây dựng mới” với 46,9% số doanh nghiệp lựa chọn. Khó khăn không dừng lại ở đó khi nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, trên thực tế, nguồn cung một số nguyên vật liệu chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là một số nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các tuyến đường giao thông trọng điểm của quốc gia như đất san lấp, cát san lấp, cát xây dựng, nhựa đường… Dự báo về quý III/2024 tuy có khả quan hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 46,5% doanh nghiệp lựa chọn - chỉ giảm nhẹ so với quý II; và yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” cũng vẫn cao, với tỷ lệ 41,6% doanh nghiệp lựa chọn.
Tuy vậy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý II/2024 vẫn tốt hơn quý trước với 26,4% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 42,9% doanh nghiệp giữ ổn định và 30,7% doanh nghiệp khó khăn hơn. Dự báo quý III/2024, có 28,8% doanh nghiệp xây dựng nhận định sẽ thuận lợi hơn, 43,1% doanh nghiệp giữ ổn định và 28,1% doanh nghiệp khó khăn hơn.
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng. Trước hết, các doanh nghiệp cần được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ về nguyên vật liệu, như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu (44,8% số doanh nghiệp đề nghị). Trong lĩnh vực này, doanh nghiệp kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng có những biện pháp như cấp thêm mỏ mới, tăng công suất của các mỏ cũ hoặc có phương án điều chuyển một phần khối lượng nguyên vật liệu của những dự án có thời gian hoàn thành muộn hơn cho các dự án có yêu cầu hoàn thành sớm.
Tiếp đến, các doanh nghiệp xây dựng cũng có nhu cầu được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh, như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay (43,5% doanh nghiệp đề nghị).
Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp đề nghị tăng cường công khai, minh bạch thông tin đấu thầu; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; sớm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ giúp doanh nghiệp đảm bảo thời gian thi công theo hợp đồng đã ký kết. Hơn nữa, các doanh nghiệp cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng có thể đảm bảo quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước những vướng mắc của các doanh nghiệp xây dựng trong thực hiện Luật Đấu thầu năm 2023, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng thêm các kênh hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như: giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục đấu thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu. Mặt khác, doanh nghiệp kiến nghị cần quy định rõ hơn về chế tài xử phạt đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng giám sát, kiểm tra trong đấu thầu để đảm bảo việc đấu thầu công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp./.