PVN thông tin rõ thêm về sai phạm tại Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đầu tư - Ngày đăng : 22:10, 29/11/2018

(BKTO) - Ngày 29/11, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chính thức công bố thông tin PVN đã chủ động xử lý sai phạm tại Ban Quản lý dự án (QLDA) Lọc hóa dầu Nghi Sơn.


Cụ thể, vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng thông tin về sai phạm tại Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
                
   

PVN thông tin về sai phạm tại Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn

   
Cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề này, PVN cho biết, tháng 8/2017, PVN đã nhận được Đơn tố cáo về một số sai phạm tại Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đã thành lập Đoàn kiểm tra xác minh đơn thư.

Qua kiểm tra, PVN đã phát hiện một số sai phạm, trong đó có việc Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn không hạch toán số tiền lãi 21,8 tỷ đồng và để ngoài sổ sách kế toán. PVN đã yêu cầu Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn hạch toán toàn bộ số tiền lãi từ các hợp đồng tiền gửi đang để ngoài sổ sách kế toán theo quy định và chuyển số tiền lãi này vào tài khoản của PVN.
                
   

Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang triển khai tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa

   
Từ tháng 12/2017 đến nay, PVN đã liên tục có các biện pháp yêu cầu nguyên Trưởng Ban QLDA và những cán bộ có liên quan chuyển số tiền về tài khoản của Tập đoàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chuyển đủ.

Ngày 07/12/2017, PVN đã có quyết định đình chỉ chức vụ Kế toán trưởng Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn đối với ông Lê Xuân Hoàng và tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể và các cá nhân có liên quan.

Ngày 16/4/2018, PVN đã chủ động có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ công an đề nghị có biện pháp phối hợp để giải quyết các vi phạm nêu trên. PVN đã nhiều lần cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan và tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.
         
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóalà dự án lọc hóa dầu có quy mô lớn nhất Việt Nam, liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (25,1%); Công ty Dầu khí KPI - Kuwait (35,1%); Công ty Idemitsu Kosan - Nhật Bản (35,1%) và Công ty Hóa chất Mitsui - Nhật Bản (5,7%) với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD. Nhà máy được thiết kế có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm với các loại sản phẩm LPG, xăng 92/95, diesel, Jet A1, sản phẩm hóa dầu Benzen, P-Xylene, nhựa Polypropylen và lưu huỳnh.
QUỲNH ANH