Quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 10:52, 01/08/2024

(BKTO) - Trong thực hiện dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở, mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ công dân luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chú trọng quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định cần phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội và mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Nội dung này cũng được thể hiện trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023). Theo quy định của Luật, trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ công dân có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ, hữu cơ không thể tách rời.
2-thay.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ST

Cụ thể, công dân có quyền được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và việc này phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Luật cũng chỉ ra hàng loạt quyền của công dân về tham gia kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, hay tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở… nhưng những việc đó, tất cả đều phải tuân theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, Luật cũng quy định rất rõ mọi công dân phải: “Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động”.

Trong âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, thế lực xấu thường lợi dụng vấn đề dân chủ, quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu cáo với mục đích bôi nhọ, chống phá. Những kẻ xấu, cơ hội chính trị núp dưới chiêu bài “dân chủ”, nhân danh “góp ý” để thực hiện hành vi phá hoại. Ví dụ, chúng xuyên tạc, vu cáo ở Việt Nam không có tự do, dân chủ; Đảng, Nhà nước bóp nghẹt nhân quyền; từ xưa đến nay, hễ cái gì được lòng dân thì mất lòng Đảng, “Chế độ độc tài đảng trị thì chỉ có đảng chủ chứ làm gì có dân chủ”. Rồi chúng lôi kéo, kích động tình trạng vô chính phủ trong Đảng, trong xã hội, kêu gọi nhân dân vùng lên từ bỏ Đảng, chế độ để có tự do dân chủ.

Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền, mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, cả trong Đảng và xã hội. Từ rất sớm, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1930, quy định: “Bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Dưới chế độ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi, vấn đề quan trọng là phải làm sao cho “nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, yêu cầu quan trọng đặt ra là phải có những con người xã hội chủ nghĩa “vừa hồng, vừa chuyên”, chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà, biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ và mỗi người phải ra sức góp công, góp của cùng xây dựng đất nước. “Đã có quyền hạn làm chủ, thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ”.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua, nhờ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ khi thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã thu được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy việc thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở đã được triển khai tích cực đem lại những hiệu quả thiết thực, nhưng cũng vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Nổi lên là hiện tượng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, còn nặng về hình thức, chấp hành chưa nghiêm các quy định, hướng dẫn về dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở, thậm chí vi phạm pháp luật. Thực trạng sai phạm trong thực hiện dân chủ thường gây ra những hậu quả tiêu cực về nhiều mặt, vì vậy phải ngăn ngừa, sửa chữa, khắc phục, phải đảm bảo thực chất thì mới có thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Có chuyên chính thực sự, có dân chủ thực sự thì mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được”.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cũng đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm và kiên quyết, kiên trì sửa chữa, khắc phục với nhiều giải pháp tích cực, khả thi. Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đây được coi vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã và đang tiến hành. Nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Giải pháp quan trọng, bài học thành công trong thực hiện dân chủ ở cơ sở mà chúng ta rút ra và đang tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

Giai đoạn cách mạng mới hiện nay đòi hỏi việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng. Trong đó, trước hết, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng, đồng bộ trong toàn xã hội để cùng hiểu và chấp hành nghiêm túc. Chú trọng sự tự giác của mỗi công dân, thực hiện hài hòa quyền và nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định. Cần nêu cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, theo đúng tinh thần mà Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII: “Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Làm tốt công tác khen thưởng, phát hiện, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong cộng đồng; đồng thời tích cực đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, cần kiên quyết không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể: Không được gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; không được bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; không được lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức./.

CÔNG MINH