Để thị trường chứng khoán Việt Nam thay đổi về chất?

Kinh tế - Ngày đăng : 13:54, 01/08/2024

(BKTO) - Những năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TTCK vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục và hoàn thiện để thị trường này thực sự thay đổi về chất.
13.jpg
Năm 2023, TTCK Việt Nam mặc dù trải qua nhiều biến động nhưng vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định. Ảnh: ST

Những hạn chế cần khắc phục

Nhận diện những hạn chế cần khắc phục của TTCK Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán kiến thiết Việt Nam - ông Đỗ Bảo Ngọc - cho biết, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường luôn ở mức cao. Đối tượng này không có nhiều kiến thức, thông tin về thị trường tài chính và doanh nghiệp cụ thể. Với tâm lý “high risk, high return” - tức kỳ vọng cao thì lợi nhuận cao, hành vi đầu tư của họ thường là nghe ngóng thông tin qua các hội, nhóm trên mạng xã hội và thích tham gia cuộc chơi đầu cơ lớn, có khả năng sinh lời nhanh.

“Trong bối cảnh trên, việc thị trường thường xuất hiện những biến động quá đà do ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý không phải điều quá khó hiểu. Chẳng hạn, những ngành, doanh nghiệp xuất hiện nhiều tin đồn tích cực/tiêu cực thường rất nhanh xảy ra tình huống cổ phiếu tăng hoặc giảm quá đà, từ đó tác động tới thị trường” - ông Ngọc dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc khối đầu tư chứng khoán VinaCapital - bà Nguyễn Hoài Thu - cho rằng, tính minh bạch và tuân thủ các quy định pháp lý trên thị trường còn hạn chế. Điều đó thể hiện qua những vi phạm về thao túng giá cổ phiếu hay giao dịch nội gián đã được xử lý trong thời gian qua. “Ngoài ra, một số nhà đầu tư trên thị trường lại thích giao dịch theo tin đồn, tin tức nội bộ không được kiểm chứng hay theo sự hô hào của những đội nhóm. Điều này vô tình đã tiếp tay cho việc thao túng giá cổ phiếu mà hậu quả sau cùng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ - vốn chiếm đa số trên thị trường - phải gánh chịu thiệt hại” - bà Thu cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh, điều đáng tiếc nữa là TTCK Việt Nam vẫn chưa được xếp hạng vào nhóm các thị trường mới nổi, mặc dù xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản, TTCK Việt Nam đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi.

Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán dầu khí - ông Trần Anh Tuấn - cho rằng, trái với những tăng trưởng mạnh mẽ về dòng vốn và số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sau hơn hai thập niên hình thành và phát triển, số lượng các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) mới lại chững lại rõ rệt trong những năm gần đây. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng DNNY trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2024 là 1.603 doanh nghiệp. Con số này trong các năm gần đây không có sự chuyển biến lớn, thậm chí còn chứng kiến mức sụt giảm nhẹ trên cả 3 sàn vào cuối các năm 2019, 2020, 2021.

“Với số lượng DNNY mới ít hơn, các nhà đầu tư có phạm vi lựa chọn hẹp hơn trong việc phân bổ vốn. Điều này có thể làm giảm sự đa dạng hóa và hạn chế lựa chọn đầu tư, đồng thời tác động đến tính thanh khoản, khiến nhà đầu tư khó mua hoặc bán cổ phiếu nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến giá cả” - ông Tuấn bình luận.

Ngoài ra, PGS,TS. Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho hay, hơn 10 năm qua, hoạt động công bố thông tin (CBTT) đa phần đều là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành. Đặc biệt, không có bất cứ doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách DNNY đạt chuẩn CBTT trong hơn 10 năm. Điều này cho thấy, việc tuân thủ yêu cầu minh bạch thông tin không hề dễ dàng. Chưa kể, đánh giá của MSCI và FTSE còn cho thấy, Việt Nam vẫn cần cải thiện thêm việc cập nhật thông tin bằng Tiếng Anh. Theo quy định hiện hành, ngôn ngữ CBTT chính thức là tiếng Việt, trong khi CBTT bằng tiếng Anh chỉ là điều kiện bắt buộc với Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, còn các đối tượng khác được khuyến khích và chỉ dành cho mục đích tham khảo. Nghiên cứu thị trường của Ngân hàng Thế giới cũng nêu rõ, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết CBTT và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.

“Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì phải minh bạch”

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, hướng tới sự phát triển minh bạch, bền vững của thị trường, PGS,TS. Trần Việt Dũng cho rằng, điều quan trọng chính là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin. Cùng với đó là giáo dục ngôn ngữ và tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh: Cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của nhà đầu tư, không để tình trạng Hội đồng quản trị hay Ban lãnh đạo doanh nghiệp có các quyết định hay hành động làm tổn hại đến lợi ích của cổ đông. Đồng thời, giám sát chặt hơn nữa và xử lý nghiêm các giao dịch thao túng giá cổ phiếu hoặc giao dịch nội gián. Những việc này sẽ gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như thu hút thêm dòng vốn vào thị trường.

Bà Thu cho biết, đa số nhà đầu tư Việt Nam hiện là cá nhân, trong khi ở nước ngoài, nhà đầu tư chủ yếu là tổ chức - chuyên nghiệp và có quy tắc hơn. “Chúng tôi cho rằng, nên có các chính sách khuyến khích và đẩy mạnh việc truyền thông, phổ biến kiến thức để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân gia tăng việc đầu tư thông qua quỹ mở. Việc phát triển các quỹ đầu tư cũng sẽ giúp tỷ trọng về giá trị giao dịch giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức được cân bằng hơn, giảm bớt biến động bất thường trên thị trường, giúp TTCK phát triển lành mạnh hơn” - bà Thu đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định: Cơ quan quản lý nhà nước đi đầu nhưng không đi một mình. TTCK không đi một mình mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, DNNY, các đơn vị truyền thông… đều phải đi để hướng tới nâng hạng TTCK trong thời gian sớm nhất. “Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để thị trường phát triển hơn. Không cần phải học đâu xa mà học ngay các thị trường đã phát triển như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Trên cơ sở đó, chúng ta cũng sẽ chắt lọc chứ không áp nguyên mô hình vào TTCK Việt Nam” - ông Chi cho hay.

Về yếu tố minh bạch thông tin, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì chúng ta phải minh bạch. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các DNNY. Họ phải ý thức rằng đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính doanh nghiệp. “Hiện cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu đối với doanh nghiệp về CBTT. Chúng ta - cơ quan quản lý, vận hành, nhà đầu tư, cơ quan báo chí - cùng nhau giám sát, phát hiện trường hợp vi phạm, từ đó xử lý nghiêm, làm kiên quyết, không ngừng nghỉ vì thị trường không bao giờ nghỉ. Việc CBTT bằng hai thứ tiếng, một số doanh nghiệp đã làm nhưng chưa đủ. Chúng tôi dự kiến sửa đổi quy định liên quan vấn đề này và có lộ trình” - ông Chi thông tin./.

HỒNG NHUNG