Doanh nghiệp gặp khó vì cước vận tải biển tăng cao
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:22, 01/08/2024
Cước vận tải biển tăng “phi mã”
Trong những tháng gần đây, nhiều DN, ngành hàng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi lượng đơn hàng xuất khẩu đang dần gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là đơn hàng ngày một khởi sắc, các DN xuất khẩu cũng đang đứng trước những sức ép rất lớn do giá cước vận tải biển có xu hướng tăng cao. Theo nhiều DN, tính đến cuối tháng 6, giá cước tàu nhiều chuyến quốc tế đã tăng 100%, thậm chí có những tuyến tăng tới 200-300% so với 3 tháng trước đó. Đơn cử, giá cước tàu từ Việt Nam đi châu Âu tăng gấp 2-3 lần, hiện ở mức trên dưới 4.000-5.000 USD/container…
Nguyên nhân dẫn đến cước vận tải biển tăng cao trong thời gian qua, theo các DN trong ngành logistics là do căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài buộc các hãng tàu phải thay đổi lộ trình, gây ra tắc nghẽn ở Singapore và các cảng phụ cận trong khu vực Đông Nam Á. Thời gian chờ lấy hàng kéo dài gấp 2 đến 3 lần thông thường gây ra tình trạng thiếu tàu, khiến giá vận chuyển tăng lên. Bày tỏ lo ngại trước tình trạng này, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, ngành gỗ là một trong những ngành có “độ mở” lớn khi xuất khẩu tới 70-80% sản lượng sản xuất, do đó phụ thuộc rất nhiều vào giá cước vận tải biển. Hiện ngành gỗ đang trên đà phục hồi tốt, tuy nhiên 2-3 tháng trở lại đây, giá cước vận tải đường biển được các hãng tàu điều chỉnh tăng liên tục khiến các DN rất “đau đầu”.
Cùng chung sự lo lắng về chi phí vận chuyển tăng cao, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - cho biết, công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá cước vận tải biển biến động mạnh. Lúc đơn vị ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng vào tháng 4 và báo giá cước vận chuyển đi quốc tế là khoảng 2.700 USD/container thì giờ cước vận chuyển đã tăng lên gần 8.000 USD/container, tăng gần 3 lần. “Trung bình mỗi tháng, Phúc Sinh xuất khẩu từ 400 đến 600 container cà phê, hồ tiêu đến các thị trường trên thế giới. Với mỗi container, công ty phải trả thêm khoảng 5.000USD. Đây là tổn thất rất lớn với DN” - ông Thông chia sẻ.
Không chỉ giá cước vận tải biển tăng cao tạo sức ép cho DN, theo nhiều DN, việc đặt tàu hiện cũng rất khó khăn, bởi hàng tới cảng nhưng không đủ tàu nên có khi phải chờ trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mới được xuất đi, khiến DN phải chịu thêm các chi phí phát sinh vì lưu hàng tại cảng, đồng thời DN cũng phải đối diện với rủi ro bị phạt hợp đồng nếu chậm trễ trong giao hàng. Đáng chú ý, các DN Việt gần như không có sự lựa chọn bởi đội tàu biển trong nước hiện chỉ đảm nhận vận chuyển khoảng 10-15% thị phần và chủ yếu là các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á, còn lại hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường lớn như: châu Âu, châu Mỹ… phần lớn phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. “Cước vận chuyển tăng, khó khăn trong việc đặt tàu, thời gian giao hàng kéo dài, đang tạo áp lực rất lớn lên các DN, bởi DN có thể mất thị trường đã dày công xây dựng” - ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần linh hoạt giải pháp ứng phó
Theo dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn về chi phí logistics cho các DN, để những kết quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng đi liền với kết quả tươi sáng về lợi nhuận của DN, chứ không phải theo chiều hướng DN xuất khẩu nhiều nhưng không vui, bởi chi phí logistics đã “ăn mòn” lợi nhuận của DN.
Theo đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các DN cần xây dựng kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó DN cần chú trọng đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm các thị trường mới, thị trường gần, dễ giao hàng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á… thay vì tập trung vào các thị trường như Mỹ, châu Âu. Cùng với đó, DN cần tính toán lại tất cả các khâu trong quá trình hoạt động để tiết giảm chi phí bù lại cho phần chi phí về logistics tăng cao; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng lên…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi thư đến Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin trao đổi, đề xuất một số nội dung liên quan đến cước vận tải biển tăng cao, nhằm giúp các DN Việt Nam vượt qua khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Công Thương cũng đã ban hành công văn gửi các hiệp hội, ngành hàng để định hướng giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao. Theo đó, Bộ khuyến nghị, các hiệp hội ngành hàng cần làm việc với các hiệp hội trong lĩnh vực logistics nhằm tập hợp DN hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất khẩu hàng hoá làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với các hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Bên cạnh đó, ngoài tuyến đường biển hiện tại, DN xuất khẩu đến châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu. Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của DN xuất nhập khẩu vừa và nhỏ trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm, nhằm bảo vệ DN trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt là với hàng hoá đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao./.