Bảo hiểm xã hội gia tăng tiện ích số giúp thuận tiện cho người hưởng chế độ

Xã hội - Ngày đăng : 18:05, 20/07/2024

(BKTO) - Thời gian qua, song song với nỗ lực mở rộng lưới an sinh để ngày càng có nhiều người dân được đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khoẻ từ các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHXH Việt Nam đã không ngừng hiện đại hoá công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với tăng chất lượng phục vụ và chỉ số hài lòng của người dân.

Công tác chuyển đổi số là trọng tâm

z5679228125519_62b021caba7b7a2520bb77f7bc7590f2.jpg
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao. Ảnh: KHÁNH LINH

Với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh việc chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác...

Theo đó, công tác chuyển đổi số, trọng tâm là Đề án số 06 của Chính phủ đã được triển khai quyết liệt ở lĩnh vực BHXH, BHYT và đem lại rất nhiều lợi ích, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, hưởng ứng.

Hoàn thiện hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ người tham gia, thụ hưởng ngày càng tốt hơn, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao.

Cơ quan này đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung và đảm bảo an toàn thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng. 100% công chức, viên chức và người lao động của ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ.

100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (E-office). 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Hiện Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hơn 621 nghìn đơn vị, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

BHXH Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao chủ quản CSDL quốc gia về bảo hiểm theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP. Do đó, từ nền tảng CNTT đã có, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã ưu tiên tập trung làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm; chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến của Ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia nói chung.

Hiện nay, có 20/25 thủ tục hành chính (chiếm 80%) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên hệ thống giao dịch BHXH điện tử của BHXH Việt Nam. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam đã được số hóa.

BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai liên thông dữ liệu điện tử giấy khám sức khỏe lái xe (phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến), giấy chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở KCB qua hạ tầng công nghệ của BHXH Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 4,3 triệu dữ liệu điện tử của 3 loại giấy tờ nêu trên được liên thông qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.

Những kết quả đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia, hưởng các chế độ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Kết quả thể hiện tính hiệu quả và thiết thực của các tiện ích

z5679281190595_1b94019d1e82826d6ba7ce1bae7e730c.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội được cắt giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia trong việc kê khai, hoàn thiện thủ tục. Ảnh: KHÁNH LINH.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ công dân số, thực hiện mục tiêu từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cấp bản điện tử của sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID từ năm 2020 và từ ngày 01/6/2021 triển khai sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.

Tiếp đó, trên cơ sở đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế.

Triển khai nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn quốc đã có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022 (vượt 4% chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đã và đang mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, được đông đảo người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đón nhận. Với phương thức này, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.

Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Đây là cơ sở quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia trong việc kê khai, hoàn thiện thủ tục.

Với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực mà đối tượng thụ hưởng là chính người dân và doanh nghiệp, giúp việc giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng kịp thời, nhanh chóng, chính xác, nâng cao chất lượng phục vụ./.

KHÁNH LINH