Quảng Nam: Tăng cường các giải pháp kéo giảm nợ bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 14:37, 12/07/2024

(BKTO) - Thời gian qua, tình hình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHXH, BHTN, BHYT) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện tương đối đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT vẫn còn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
z5688400239670_ead7376762f8cc9eb79da9a87f94bf15.jpg
Tuyên truyền người dân tham gia chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH tỉnh Quảng Nam

Hơn 262 tỷ đồng chậm đóng các khoản bảo hiểm xã hội

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, trong tháng 6/2024, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN đã giảm so với tháng trước là hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tính đến hết tháng 6 năm 2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN trên toàn tỉnh là 262,098 tỷ đồng. Trong đó: Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của khối doanh nghiệp hơn 241,012 tỷ đồng; số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của các đơn vị Hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn… hơn 9,218 tỷ đồng; số tiền chậm đóng BHYT của các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hơn 11,868 tỷ đồng.

Trong tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN trên toàn tỉnh, có 1.171 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 151,695 tỷ đồng; trong đó có những đơn vị khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền chậm đóng hơn 38,564 tỷ đồng. Riêng đối với những đơn vị, doanh nghiệp còn đang hoạt động có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 100 triệu đồng hoặc số tháng chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền trên 137 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị sử dụng lao động cho biết, việc chậm đóng BHXH của người lao động chủ yếu do doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, không đủ tài chính để đóng BHXH đúng thời gian quy định. Nhiều vấn đề đã được hai bên trao đổi với tinh thần thẳng thắn, khách quan.

z5688400239669_83f15d9634ca7f787cb2c6834b50f2e4.jpg
Khi các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật lao động, BHXH thì quyền lợi người lao động được đảm bảo. Ảnh: BHXH tỉnh Quảng Nam

Kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý vi phạm

Lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời gian qua, BHXH đã tích cực phối hợp với các đơn vị, sở ngành thực hiện nhiều giải pháp thu, đôn đốc thu hồi nợ chậm đóng nên vào cuối năm 2023 tình hình có chuyển biến tốt. Nhưng sang năm 2024, tình trạng chậm đóng có xu hướng tăng cao trở lại, một phần do tình hình khó khăn của nền kinh tế chưa giảm, một phần cũng ở lỗi chủ quan của người sử dụng lao động, thậm chí có việc lách, trốn đóng, cố tình chây ỳ.

Với việc chậm đóng các khoản liên quan đến chính sách BHXH, hằng tháng, BHXH tỉnh đều có báo cáo cụ thể đến Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh để nắm tình hình và có ý kiến chỉ đạo.

Nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu triển khai công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHTN, BHYT không đầy đủ, doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Riêng ngành BHXH sẽ chủ động thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất hoặc định kỳ; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Quan trọng hơn, đó là việc chấp hành đúng quy định, đảm bảo chính sách, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

“Nếu đơn vị sử dụng lao động chậm đóng kéo dài thì việc giải quyết các chế độ không thực hiện được, quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng, tác động xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh” - lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết.

Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện và phối hợp thực hiện nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác thu, chi BHXH, BHYT tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra việc thu, nộp BHXH, BHYT ở các đơn vị sử dụng lao động.

Qua đó nếu phát hiện sai sót hoặc có đơn thư khiếu nại sẽ kịp thời giải quyết để đảm bảo quyền lợi của công dân theo quy định pháp luật, không để tồn đọng. BHXH tỉnh cũng sẽ tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động. Đặc biệt, kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Để công tác BHXH, BHTN, BHYT của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện đảm bảo theo quy định, góp phần ổn định chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, mọi tổ chức, đơn vị đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về BHXH, BHYT, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Do đó, các sở, ban, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, đối thoại với người đúng đầu doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp vi phạm về thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với đó, cơ quan chức năng rà soát, phân nhóm các doanh nghiệp, đơn vị đang chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để có phương án cụ thể, giải quyết tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN./.

PHƯƠNG LAN