Top 10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:09, 02/08/2024
CafeF vừa công bố danh sách Top 10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất. Đây là một phần trong Báo cáo “Top doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam”.
Dựa trên số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng cho thấy, 10 ngân hàng tư nhân đứng đầu về nộp ngân sách nhà nước năm 2023 gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank).
Tất cả các ngân hàng này đều có số nộp ngân sách năm 2023 trên 1.000 tỷ đồng, với tổng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước là hơn 36.800 tỷ đồng, tăng hơn 10.700 tỷ đồng so với năm 2022. Con số này tương đương hơn 32% tổng lợi nhuận trước thuế của các nhà băng.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng trong Top 10 có mức nộp ngân sách tăng gấp đôi so với năm trước, tương ứng đã nộp thêm cả nghìn tỷ đồng vào ngân sách. Số nộp ngân sách lớn cho thấy, đi cùng với sự tăng trưởng về quy mô, các ngân hàng cũng đóng góp cho đất nước ngày càng nhiều.
Theo đó, việc các ngân hàng đóng góp một phần lớn lợi nhuận vào ngân sách không chỉ giúp duy trì hoạt động của các dịch vụ công, mà còn tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng thời, số tiền nộp ngân sách lớn cũng là minh chứng cho sự ổn định và tăng trưởng của các ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và khách hàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung.
Theo Báo cáo, triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2024 được đánh giá tích cực nhờ vào các yếu tố hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt mức cao, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng lên, kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân cũng gia tăng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị phần và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng và cải thiện lợi nhuận.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2024. Cụ thể là, rủi ro từ biến động thị trường tài chính toàn cầu, áp lực lạm phát và xu hướng tăng trở lại của lãi suất đầu vào. Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu, mặc dù đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn là một mối lo ngại cần được giám sát thường xuyên để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.../.