Khắc phục tình trạng quá tải trong giải quyết, xét xử các vụ án
Pháp luật - Ngày đăng : 21:07, 02/08/2024
Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thi hành luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả.
Chánh án TAND tối cao yêu cầu tổ chức rà soát các quy định của Luật Tổ chức TAND 2024 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác để đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi) nhằm bảo đảm cho các TAND sơ thẩm chuyên biệt đi vào hoạt động.
Ngoài ra, các tòa án tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp. Về chế độ bảo vệ tòa án, nội quy phiên tòa, phiên họp phải được ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm duy trì an ninh, trật tự và sự tôn nghiêm của tòa án.
Cũng theo TAND tối cao, Điều 141 Luật Tổ chức TAND 2024 quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán phải được sự đồng ý của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình của người tham gia tố tụng khác thì phải được sự đồng ý của họ và Chủ tọa phiên tòa; hoạt động ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; hoạt động ghi âm được thực hiện xuyên suốt phiên toà.
Chánh án TAND tối cao yêu cầu Vụ Tổ chức - Cán bộ, TAND tối cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát khối lượng công việc của các TAND cấp cao để nghiên cứu, đề xuất việc thành lập thêm một TAND cấp cao nhằm khắc phục tình trạng quá tải trong giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao hiện nay; đề xuất biên chế, số lượng thẩm phán, thư ký...; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký công tác tại các TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Việc thành lập, số lượng, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các TAND sơ thẩm chuyên biệt phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất đặc thù công tác xét xử của từng TAND sơ thẩm chuyên biệt trên cơ sở cân nhắc số lượng các vụ việc dự kiến phải giải quyết hằng năm (hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản) đặc thù địa lý, mật độ dân số, tình hình kinh tế, xã hội của các vùng miền./.