Đã kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 08:40, 03/08/2024
TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ, nở rộ hình thức livestream bán hàng
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - đánh giá, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của nước ta tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng doanh thu TMĐT của Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025.
Số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, doanh thu quản lý từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 3,1 triệu tỷ đồng, số thuế thu được là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng. Số thuế thu được là 97.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, bà Cúc cho biết, gần đây có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng/phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và góp phần thúc đẩy kinh tế của đất nước.
Để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ngày 06/9/2021 Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT”, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế. Chú trọng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.
Hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử...
Nên đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương pháp tự kê khai
Bà Cúc khuyến cáo, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh TMĐT cần chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, nhất là hoạt động livestream bán hàng cho các nhãn hàng. Các nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thực tế đơn hàng bán được.
Cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Bà Cúc khuyên các cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương thức kê khai. Người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân); nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
Trường hợp không tự đăng ký, kê khai và nộp thuế, ngoài việc bị truy thu thuế, người nộp thuế còn bị phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày. Nếu cơ quan chức năng phát hiện cố tình trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên thì người nộp thuế sẽ bị xử lý hình sự.
Bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA - cũng cho rằng, doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững phải tuân thủ pháp luật trong đó có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về thuế, qua đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện, kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT, đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh, tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán của MISA. Từ đó, tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác... giúp doanh nghiệp không cần nhiều nhân sự kế toán, hỗ trợ doanh nghiệp lập báo cáo thuế, hạn chế tối đa rủi ro về thuế…
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam – cũng cho rằng, để chung tay xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ; nếu coi nhẹ nghĩa vụ thuế sẽ gây rủi ro cho chính doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên tìm đơn vị tư vấn thuế hoặc cán bộ thuế chuyên trách./.
Những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP.HCM đã truy thu tiền thuế, tiền phạt của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Cục Thuế TP.HCM đã rà soát hơn 7.100 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT. Qua đó, cơ quan thuế đã đôn đốc, hỗ trợ kê khai và nộp thuế được gần 1.300 tỷ đồng; truy thu, xử phạt hơn 1.300 trường hợp với tổng số tiền 71 tỷ đồng.