Nâng cao chất lượng kiểm toán dựa trên rủi ro
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:00, 10/11/2016
(BKTO) - Ngày 09/11, tại Hà Nội, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, TS. Padapphet Sayakhot - Phó Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào và TS. Suon Sitthy - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Campuchia đã đồng chủ trì Hội thảo ba bên của các cơ quan KTNN Việt Nam, Lào, Campuchia với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc các cơ quan KTNN Việt Nam, Lào, Campuchia; đại diện một số tổ chức hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quốc tế tại Việt Nam, công ty kiểm toán độc lập…
Quang cảnh buổi Hội thảoẢnh: T.T
Kiểm toán dựa trên rủi ro là xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, KTNN ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa lớn về hợp tác đa phương và song phương, trong đó đặc biệt phải kể đến việc KTNN ba nước đã tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ ASEANSAI, tổ chức thành công 6 hội nghị ba bên, bắt đầu từ năm 2009. Tại các diễn đàn này, ba cơ quan KTNN đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động chuyên môn, qua đó tăng cường sự hiểu biết và hợp tác trong lĩnh vực KTNN của ba nước. Chủ đề của Hội nghị ba bên lần thứ VII năm 2016 “Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính” đã được thống nhất tại Hội nghị ba bên lần thứ 6 tổ chức tại Lào từ ngày 11-12/11/2014.
Theo Phó Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào Padapphet Sayakhot, chủ đề của Hội thảo lần này rất quan trọng và thiết thực đối với hoạt động kiểm toán của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đối với KTNN Lào, việc kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính là phương pháp còn mới mẻ, đang bước đầu thí điểm tổ chức thực hiện tại một vài đơn vị. Do vậy, đây là diễn đàn quan trọng để KTNN Lào trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan KTNN Việt Nam, Campuchia để vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Campuchia Suon Sitthy bày tỏ sự tin tưởng rằng việc xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính đặt ra yêu cầu mỗi kiểm toán viên phải có thêm hiểu biết về chiến lược và tiến trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán, để có thể biết rằng Báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán có thể hiện đúng, chính xác hay không.
Theo các chuyên gia, phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính được coi là xu thế tất yếu của các cơ quan KTNN, do một mặt phương pháp này thể hiện đúng bản chất nghiệp vụ kiểm toán, phù hợp với Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI); mặt khác giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán thông qua việc tập trung nguồn lực vào những bộ phận, nội dung trọng yếu, đảm bảo cho việc đưa ra ý kiến xác nhận tính trung thực hợp lý, có cơ sở khoa học được sự công nhận của thế giới.
Chia sẻ kinh nghiệmkiểm toán dựa trên rủi ro
Ông Ngô Minh Kiểm - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN Việt Nam) - chia sẻ, năm 2016, KTNN Việt Nam đã thực hiện 1 cuộc kiểm toán thí điểm áp dụng phương pháp kiểm toán tiếp cận đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Qua đó, KTNN Việt Nam đã rút ra một số bài học: Phải thực hiện khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng về đơn vị được kiểm toán; phân tích thông tin để xác định rủi ro và đánh giá khả năng có sai sót trọng yếu đối với từng đơn vị được kiểm toán; việc xác định trọng yếu phải được thực hiện trên cả hai khía cạnh định tính và định lượng; trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, Kế hoạch kiểm toán tổng quát phải được xây dựng trước khi lập Kế hoạch kiểm toán chi tiết; việc thực hiện cuộc kiểm toán phải tuân thủ triệt để Kế hoạch kiểm toán; tổng hợp kết quả phát hiện kiểm toán, ước lượng, đánh giá sai sót tổng thể để đưa ra ý kiến kiểm toán.
Theo đại diện KTNN Campuchia, việc thực hiện phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính đối với KTNN Campuchia đang gặp phải một số khó khăn, thách thức. Đó là: Kiểm toán viên gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định và đánh giá rủi ro sai sót cơ bản cũng như khó khăn trong việc sắp xếp tổ chức kiểm toán; việc sắp xếp tài liệu kiểm toán chưa phù hợp với tiêu chuẩn; trình độ của kiểm toán viên còn hạn chế; sự thiếu hiểu biết của đơn vị được kiểm toán về phương pháp này tạo thành rào cản việc thực hiện; thiếu nguồn vốn để thuê chuyên gia và không có đầy đủ trang thiết bị kiểm toán…
Từ những khó khăn và thách thức trong thực tiễn, đại diện KTNN Lào cho rằng cần phải điều chỉnh: Khung pháp lý để làm công cụ cho kiểm toán có thể mở rộng phạm vi kiểm toán một cách có hiệu lực, hiệu quả; các mẫu văn bản cho đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; phương thức kiểm toán chú trọng việc chuẩn bị và lập Kế hoạch kiểm toán để có thể xác định được lĩnh vực rủi ro, phát hiện được vấn đề chính. Đồng thời, cần đào tạo nguồn nhân lực một cách có hệ thống, có chiến lược ngắn hạn và dài hạn.
Đứng từ góc độ một công ty kiểm toán độc lập, ông Trần Phú Sơn - Phó Tổng Giám đốc E&Y Việt Nam - chia sẻ, giống như các đơn vị kiểm toán khác, E&Y chịu sức ép lớn do các khách hàng DN có quy mô và số lượng giao dịch ngày càng lớn, tính chất ngày càng phúc tạp, ứng dụng CNTT ngày càng rộng rãi, mặt khác yêu cầu của cơ quan quản lý, yêu cầu của công chúng đòi hỏi các kiểm toán viên phải tích cực hơn nữa, do đó phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro được coi là chìa khóa giải quyết các vấn đề. E&Y đã xác định rủi ro bằng cách dành nhiều thời gian để xác định đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vì từ rủi ro kinh doanh sẽ dẫn tới những rủi ro khác trên Báo cáo tài chính của DN; tìm hiểu hệ thống thủ tục nội bộ của DN; hệ thống thông tin của DN…
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định, để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, việc đánh giá rủi ro kiểm toán là vấn đề vô cùng quan trọng, giúp các cơ quan KTNN xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán một cách hợp lý và hiệu quả. Điều này đòi hỏi các cơ quan KTNN cần phải kiên trì trong tổ chức áp dụng phương pháp kiểm toán tiên tiến hiện đại này; tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giữa các SAI với nhau, cũng như giữa các cơ quan KTNN và các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức hội nghề nghiệp; xây dựng các sách tài liệu, hồ sơ mẫu biểu, cẩm nang hướng dẫn kiểm toán dựa trên rủi ro, trọng yếu; xây dựng chính sách xác định mức độ rủi ro, trọng yếu.
Những kết quả thu được từ Hội thảo sẽ được mỗi cơ quan KTNN ba bên tiếp tục nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn mỗi nước nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và kiểm toán Báo cáo tài chính nói riêng.
H.THOAN - T.TÙNG