Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo trước nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái
Tài chính - Ngày đăng : 18:44, 06/08/2024
"Chỉ số sợ hãi" gia tăng
Tình trạng thị trường tài chính toàn cầu rung lắc và lao dốc những ngày qua phản ánh mối quan ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã giữ lãi suất chủ chốt quá cao trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Phiên giao dịch cuối tuần trước (2/8), chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm 1,8% và chỉ số công nghệ Nasdaq mất 2,4%.
Theo tính toán của nhà phân tích độc lập Jakob King, đợt giảm điểm này đã cuốn bay gần 3.000 tỷ USD giá trị thị trường của Phố Wall trong vòng vài giờ, mức tổn thất cao nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19.
Mới đây nhất, trong phiên giao dịch 5/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.033,99 điểm (2,6%), xuống 38.703,27 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 160,23 điểm (3%), xuống 5.186,33 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq sụt 576,08 điểm (3,43%), xuống 16.200,08 điểm.
Trước đó trong phiên này, chỉ số Nasdaq có thời điểm giảm 5,5%, còn chỉ số S&P 500 giảm đến 4% khi chạm mức thấp nhất trong phiên là 5.119,26 điểm.
Sự biến động này còn được thể hiện qua sự bùng nổ của VIX, chỉ số biến động của thị trường Mỹ, hay còn gọi là “chỉ số sợ hãi,” với mức độ căng thẳng ở Phố Wall vào ngày 5/8 tăng lên 65 điểm, mức chỉ đạt được hai lần trong lịch sử gần đây, vào năm 2020 tại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và vào cuối năm 2008 thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường châu Âu cũng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn. Sau khi có thời điểm giảm hơn 2% trong phiên 5/8, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức kết thúc phiên với các mức giảm lần lượt 1,42% và 1,82%.
Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 2,04%. Các nhà kinh tế và nhà giao dịch ở Phố Wall hiện kỳ vọng Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất chủ chốt, điều tác động đến chi phí vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell thường nhấn mạnh rằng Fed có thể nhanh chóng hạ lãi suất nếu quyết định rằng điều đó là cần thiết để củng cố nền kinh tế.
Tuy nhiên, nỗi lo sợ thường trực về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đã là một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế hậu đại dịch, và lần nào cũng được chứng minh là sai.
Thay vào đó, trái ngược với những gì hầu hết các nhà phân tích đã dự đoán, tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn ổn định và tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn vững mạnh.
Trước đây, nền kinh tế Mỹ thường đưa ra những tín hiệu báo hiệu khi nó ở trong hoặc gần với suy thoái. Nhưng những tín hiệu đó đã trở nên rắc rối kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh bình thường.
Tín hiệu mới nhất là báo cáo việc làm tháng 7/2024 của Bộ Lao động Mỹ, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng từ 4,1% lên 4,3% - vẫn là mức tương đối thấp nhưng là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong gần ba năm.
Quy tắc Sahm
Thị trường hốt hoảng sau khi báo cáo này được công bố, một phần vì Quy tắc Sahm. Được đặt tên theo Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Fed, quy tắc này cho thấy kể từ năm 1970, một cuộc suy thoái luôn diễn ra khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp của năm trước.
Logic đằng sau quy tắc này là: Khi càng có nhiều người mất việc, họ sẽ cắt giảm chi tiêu, gây tổn hại cho các công ty khác, khiến các công ty này ngừng tuyển dụng hoặc thậm chí cắt giảm nhân công.
Quy tắc này thường được kích hoạt khi các công ty bắt đầu cắt giảm việc làm, từ đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng không phải vì các công ty cắt giảm nhân công mà vì có quá nhiều người đổ xô vào thị trường việc làm. Không phải tất cả họ đều nhanh chóng tìm được việc làm.
Ông Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng tại Wells Fargo, cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đã tăng lên cùng với tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng sau đó ông lại nhận định rằng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ vượt qua.
Ông nói: “Tin tốt là chưa có bất kỳ cú sốc lớn nào tác động đến nền kinh tế, chẳng hạn như giá dầu tăng vọt hay khủng hoảng thị trường nhà ở. Nếu không có cú sốc, kinh tế sẽ khó rơi vào suy thoái."
Thị trường tài chính và hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều cho rằng Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất trong năm nay, một phần để bù đắp cho sự yếu kém của nền kinh tế.
Tuần trước, ông Powell nói rằng mặc dù ông nắm bắt được Quy tắc Sahm và ý nghĩa của nó, nhưng các tín hiệu suy thoái khác, chẳng hạn như những thay đổi về lợi suất trái phiếu, vẫn chưa được chứng minh trong những năm gần đây.
Ông nói trong một cuộc họp báo: “Kỷ nguyên đại dịch đã khiến nhiều quy tắc bị thay đổi. Nhiều phán đoán và nhận định đã không còn chính xác, đó là vì những tình huống thực sự bất thường hoặc đặc biệt.”
Ông Bryson kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất vào tháng Chín và tháng 11 tới, tiếp theo là cắt giảm thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 12.
Tốc độ cắt giảm này nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đây của Wells Fargo rằng Fed chỉ cắt giảm lãi suất hai lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, vào tháng Chín và tháng 12.
Các chuyên gia lo ngại rằng các nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị cho thua lỗ trong ngắn hạn. Ông Christian Nolting, Giám đốc đầu tư của ngân hàng khách hàng tư nhân thuộc Deutsche Bank, cho rằng: "Cuộc săn lùng kỷ lục trên thị trường đã kết thúc, ít nhất là tạm thời và những gì chúng ta đang thấy là một sự điều chỉnh lành mạnh dẫn đến trạng thái bình thường trở lại."
Chiến lược gia đầu tư Nolting cho biết các chuyên gia dự đoán sự dao động giá dữ dội sẽ không nhanh chóng kết thúc. Ông nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế là sự biến động giá sẽ kéo dài cho đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.”
Ngoài những lo ngại về kinh tế còn có một rủi ro khác đối với thị trường tài chính thế giới đó là khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông. Một cuộc xung đột lan rộng có thể gây ra hậu quả đáng kể đối với giá năng lượng và tác động mạnh tới thị trường.