Tạo sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng chuyển đổi số

Địa phương - Ngày đăng : 11:31, 07/08/2024

(BKTO) - Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PII với 62,86 điểm.
nong-nghiep-cnc.jpg
Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản có năng suất vượt trội, giá trị cao, an toàn thực phẩm. Ảnh: VAAS

Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thực hiện Chương trình số 07-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, Sở đã chủ động tham mưu, tổ chức các hoạt động kết nối, thúc đẩy công tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, quận huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND Thành phố, các ngành, cấp ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 trong năm 2023. Các cấp, ngành quan tâm triển khai nhiều nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…

Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu. Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế và tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp 4.0.

Chương trình số 07-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%. Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến nay, trên địa bàn Thành phố có 393 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 224 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 144 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2024, ngân sách Thành phố bố trí 110 tỷ đồng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó, hơn 69,1 tỷ đồng đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, gần 40,9 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024.

Sớm triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát khó khăn trong công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, chuyển đổi số góp phần hỗ trợ và gia tăng hoạt động thương mại điện tử. Vì thế, công cuộc chuyển đổi số chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Trong đó, cần tạo sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng chuyển đổi số.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa các nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ. Cụ thể, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có 99 nhóm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ cần sớm được triển khai.

Các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có việc số hóa các di tích, dữ liệu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở tổng kết 10 Chương trình công tác của Thành ủy, dự kiến tháng 2/2025, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CT/TU của Thành ủy Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết. Vì thế, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đề ra; lựa chọn các mô hình, kết quả tiêu biểu liên quan đến chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp để biểu dương.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng thông tin sớm với các trường đại học về định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc để các trường có đề xuất cụ thể. Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đảng ủy Khối tiếp tục chủ trì để lãnh đạo Thành phố gặp mặt với các trường đại học thông tin về định hướng quy hoạch thành phố Hòa Lạc là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đại học. Đồng thời, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành sư phạm, qua đó, hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng cho giáo viên của Thành phố./.

THÙY LÊ