Dự toán sát, đúng các nguồn thu ngân sách
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 08/08/2024
Dự toán chính xác các nguồn thu ngân sách
Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính - cho biết, tại Thông tư số 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027, Bộ Tài chính đặt mục tiêu thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân từ 4 - 6% so với ước thực hiện năm 2024...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến nửa tháng 7, thu NSNN đã đạt 68,5% dự toán, tăng khoảng 15% so với năm 2023. Từ nay đến cuối năm, ngành tài chính phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao. Tuy nhiên, các cục thuế, các địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, theo dõi sát “sức khỏe” doanh nghiệp (DN), nhận diện đúng rủi ro, rà soát, khai thác tăng thu từ các nguồn thu khác để bù đắp khoản hụt thu, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024...
Các địa phương lập dự toán thu ngân sách phải đảm bảo tính tích cực, thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng, tính đủ nguồn thu, phấn đấu tăng thu từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng cho biết thêm, 4 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có nhiều sáng kiến, sáng tạo, số thu từ các khoản thu tiềm năng tăng cao đã góp phần đưa ngành tài chính vượt thu ngân sách ở mức cao. Năm 2021 thu NSNN vượt gần 15% so với dự toán, đến năm 2022 thu NSNN đã vượt 26,4%. Năm 2023, thu NSNN vượt hơn 8% so với dự toán tương đương hơn 131.000 tỷ đồng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương lập dự toán thu ngân sách năm 2025 phải sát, đúng thực tiễn, việc tiên liệu nguồn thu ngân sách phải tương ứng mục tiêu tăng trưởng của địa phương và cả nước. Đồng thời, đánh giá thực lực, thực trạng kinh tế địa phương, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của DN cũng như tác động từ Luật Đất đai đến số thu NSNN. Các địa phương cần lưu ý một số khoản thu từ quyền sử dụng đất hay chuyển quyền sử dụng đất… và ước tính tiềm năng các khoản thu khác để đưa vào dự toán. Các địa phương lập dự toán thu ngân sách phải đảm bảo tính tích cực, thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng, tính đủ nguồn thu, phấn đấu tăng thu từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024.
Phấn đấu tăng thu ngân sách từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, việc lập dự toán thu NSNN năm 2025 được xây dựng trong điều kiện kinh tế và các chính sách rất khó dự báo. Một số chính sách sẽ sửa đổi và có hiệu lực trong năm 2025 tác động lớn đến việc thu ngân sách của cả nước và từng địa phương, nhưng rất khó đánh giá tác động đến ngân sách của từng địa bàn. Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 đã yêu cầu lập dự toán sát thực tế cả về tổng thể và theo địa bàn, tránh tình trạng một số địa phương dự báo không sát nguồn thu, dẫn đến vượt thu ngân sách cao hoặc hụt thu.
Để xây dựng dự toán NSNN năm 2025 tích cực, khả thi, sát với thực tế, đồng thời đảm bảo thu nội địa tăng tối thiểu 5-7%, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi sát sao “sức khỏe” DN, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng thu ngân sách để xác định đúng mục tiêu thu NSNN, trên cơ sở đó lập, giao dự toán cho các đơn vị sát, đúng với khả năng thu. Đồng thời, tiếp tục chú trọng việc trao đổi thông tin phục vụ việc lập dự toán các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nắm bắt những nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh đột biến, đặc thù... để dự báo và lập dự toán sát với khả năng thực hiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dư địa lớn như lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú nhằm góp phần tăng thu NSNN…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành hải quan tiếp tục tập trung xác định các yếu tố tăng/giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi cơ chế, chính sách và các thay đổi bất thường; đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc thực hiện các cam kết quốc tế để tính toán khả năng thu NSNN. Ngoài ra, lượng hóa tác động đến thu NSNN thông qua tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng có thuế; rà soát, nắm rõ các dự án đầu tư lớn sẽ triển khai tại địa bàn năm 2025. Dự toán thu NSNN phải được xây dựng trên cơ sở thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan; việc kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế theo quy định; các đơn vị khi xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 phải tính đúng, tính đủ các khoản thu, phấn đấu tăng thu tối thiểu 5% so với ước thực hiện thu NSNN năm 2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội cũng đã tăng cường quản lý thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ sở thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, qua đó đã tạo ra nguồn thu mới. Về việc lập dự toán thu ngân sách năm 2025 trên địa bàn, ông Hải cho biết, qua đánh giá cho thấy, DN còn nhiều khó khăn. Do vậy, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thuế, phí cho DN; tích cực triển khai hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử kết nối từ máy tính tiền... Đặc biệt, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để người dân thanh toán đúng giá, đảm bảo tiền thu về NSNN minh bạch; cần có cơ chế thu thập, chia sẻ cơ sở dữ liệu quản lý thuế thương mại điện tử, các hình thức kinh doanh mới để quản lý, khai thác nguồn thu tốt hơn.
Ngày 31/7, Sở Tài chính Hòa Bình đã ban hành Công văn về việc triển khai xây dựng dự toán NSNN năm 2025. Sở đề nghị các huyện, thành phố xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 ở mức phấn đấu tích cực, khả thi, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh để tính đúng, tính đủ nguồn thu. Việc xây dựng dự toán thu năm 2025 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỷ lệ nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất bình quân cả tỉnh tăng khoảng 5-7% so với ước thực hiện năm 2024; mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng huyện, thành phố.../.