Thay vì ưu đãi, cần cải cách chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

Đầu tư - Ngày đăng : 22:35, 30/11/2018

(BKTO) - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo "Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam".


Theo ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong xu thế mới, thu hút đầu tư theo chiều rộng không còn phù hợp và không mang lại hiệu quả như mong muốn, chính vì vậy, cần có chính sách mới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
                
   

Quang cảnh Hội thảo

   
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh, thu hút đầu tư của Việt Nam dựa vào chi phí thấp và lao động giá rẻ, dựa vào nguồn lực đất đai, tài nguyên đã không còn nhiều dư địa. Trong tình hình mới, Việt Nam cần tập trung thu hút FDI theo hướng áp dụng khoa học công nghệ để mang lại hiệu quả cao và hướng ra thị trường quốc tế.

Phát huy lợi thế của từng địa phương trong thu hút FDI cũng là xu hướng quan trọng cần tính đến. Từ trường hợp nghiên cứu hiệu quả đầu tư vốn FDI vào tỉnh Bắc Giang, ông Đinh Trọng Thắng- Trưởng Ban Chính sách Đầu tư (CIEM) cho rằng, hiệu quả ưu đãi đầu tư của Bắc Giang đạt được không cao, không tương xứng với những ưu đãi mà doanh nghiệp đã được hưởng. Các dự án FDI được cấp phép chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, rất ít dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hơn nữa, quy mô vốn của dự án nhỏ, nhiều dự án dưới 2 triệu USD. Bên cạnh đó, còn có sự không bình đẳng giữa khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Đơn cử, chi phí ưu đãi thuế của doanh nghiệp trong nước là 48,2 tỷ đồng, tương đương với 24,6% tổng số thuế phải nộp nhưng chi phí ưu đãi thuế của doanh nghiệp FDI lên tới 545,9 tỷ đồng, tương đương với 71,7% tổng số thuế phải nộp.

Từ đó, ông Đinh Trọng Thắng chỉ ra rằng, về mặt thiết kế chính sách, chưa có sự nhất quán giữa các mục tiêu và thực hiện; chính sách đưa ra cho các tỉnh, thành phố chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương...

Trước thực tế nhiều chính sách ưu đãi đầu tư không còn phù hợp và không đạt hiệu quả như mong muốn, việc kiểm soát thực hiện các chính sách ưu đãi cũng không được thực hiện chặt chẽ, ông Lê Thủy Trung- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dựa trên định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, sửa đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư…

QUỲNH ANH