Estonia: Kiểm toán khuyến nghị cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Kohtla-Järve

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:26, 08/08/2024

(BKTO) - Kohtla-Järve - Thành phố lớn thứ 4 của Estonia chưa được kiểm soát chặt chẽ trong hầu hết các lĩnh vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tham nhũng. Đây là một trong những phát hiện kiểm toán nổi bật trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước Estonia (NAOE) được công bố mới đây.
9.jpg
Kohtla-Järve là 1 trong 4 thành phố lớn nhất Estonia. Ảnh: ST

Hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém

NAOE tập trung đánh giá cơ cấu và việc thực hiện chức năng của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Kohtla-Järve, đồng thời kiểm tra hiệu quả của hệ thống này trên cơ sở các hoạt động và giao dịch như mua sắm công, chuyển nhượng, bán tài sản… của Thành phố trong giai đoạn từ tháng 01/2022 đến tháng 6/2023.

Thông qua cuộc kiểm toán, NAOE chỉ ra rằng, hệ thống kiểm soát nội bộ tại Kohtla-Järve còn yếu kém; hoạt động của chính quyền Thành phố chưa được giám sát, đặc biệt trong những năm gần đây, các hoạt động tài chính của chính quyền chưa được phân tích, kiểm soát; chính quyền Thành phố và các sở, ban, ngành chưa được kiểm toán định kỳ...  

Cuộc kiểm toán xác định một trong các vấn đề tồn đọng tại Kohtla-Järve là các cơ quan, tổ chức công dù có được thanh tra, kiểm toán nhưng lãnh đạo Thành phố không chú trọng đến những phát hiện, không đưa ra các giải pháp để giải quyết tồn đọng. Do đó, những sai phạm tương tự chưa giảm bớt và vẫn liên tục lặp lại trong nhiều năm.

Hệ thống kiểm soát của Kohtla-Järve chưa có công cụ hiệu quả để đánh giá rủi ro, chưa đảm bảo tính minh bạch và giám sát các hoạt động chưa chặt chẽ. Theo NAOE, Kohtla Järve hầu như không có đánh giá rủi ro nào, do đó không thể phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ đầy đủ. Lãnh đạo Thành phố cũng chưa có đánh giá toàn diện về những tồn tại của hệ thống này.

Tại Estonia, một số thành phố như Viimsi, Saku, Lääne Nigula… đều có sẵn quy trình kiểm soát nội bộ hoặc mô hình hoạt động tuân theo các nguyên tắc trong hướng dẫn về tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ của địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Kohtla Järve vẫn loay hoay với việc giải quyết các vấn đề kiểm soát nội bộ.

Báo cáo của NAOE nhấn mạnh thêm, bộ quy tắc được thiết lập ở Kohtla-Järve nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận và tham nhũng còn khá sơ sài. NAOE dẫn chứng, trong các quy trình thực hiện thủ tục nội bộ, chính quyền Thành phố không đưa ra quy tắc nào nêu rõ cách thức giao nhiệm vụ cho từng cấp nhân sự, cách thức đưa ra quyết định để tránh các trường hợp xung đột lợi ích; không có quy định chặt chẽ để tránh việc một số nhân sự thực hiện nhiệm vụ quan trọng một mình, không được giám sát, dễ xảy ra gian lận.

Cuộc kiểm toán của NAOE cho thấy, việc thiếu cạnh tranh trong các hoạt động mua sắm công cũng là một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Trong giai đoạn được kiểm toán, NAOE xác định hợp đồng mua sắm lớn nhất (trị giá 12,5 triệu euro) và hợp đồng bán tài sản của Thành phố lớn nhất (0,6 triệu euro) chỉ có một hồ sơ dự thầu trong mỗi trường hợp. Các kiểm toán viên cho rằng, việc không đảm bảo minh bạch, công khai trong đấu thầu mua sắm công đặt ra nghi vấn chính quyền TP. Kohtla-Järve chưa nghiêm túc trong việc thực hiện các hành động cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Cần tăng tốc xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ

Theo Đạo luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Estonia, mỗi địa phương phải có hệ thống kiểm soát nội bộ. Hệ thống kiểm soát nội bộ phải được chính quyền đô thị hoặc hội đồng thành phố đảm bảo về tính hiệu quả và phải chịu trách nhiệm thực hiện. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, năm 2018, “Hướng dẫn việc tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ của các chính quyền địa phương” đã được xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ của Kohtla-Järve, NAOE chỉ ra rằng, chính quyền Thành phố chưa thực hiện theo các hướng dẫn được khuyến nghị.

Để thúc đẩy tính cạnh tranh trong hoạt động mua sắm công, NAOE khuyến nghị chính quyền TP. Kohtla-Järve cần tuân thủ nghiêm ngặt Đạo luật mua sắm công. Các hợp đồng mua sắm công, các trường hợp bán tài sản cần được công bố rộng rãi. NAOE gợi ý chính quyền TP. Kohtla-Järve thực hiện một số biện pháp như hợp nhất việc mua sắm của các cơ quan do chính quyền quản lý, thực hiện mua sắm tập trung thông qua sổ đăng ký mua sắm công… để thu hút nhiều nhà thầu hơn.

Trước thực trạng 19 phòng giáo dục của Thành phố đều mua thực phẩm, văn phòng phẩm và nhiều mặt hàng khác một cách riêng biệt; trong hầu hết các trường hợp, các bộ phận chịu trách nhiệm mua sắm không khảo sát thị trường, không yêu cầu thực hiện đấu thầu nhiều lần, NAOE đã tham vấn Hội đồng TP. Kohtla-Järve cần xây dựng các quy trình kiểm soát nội bộ của từng địa phương. Hội đồng TP. Kohtla Järve đã đồng ý với ý kiến của NAOE; cam kết báo cáo kế hoạch hành động để giải quyết các vấn đề được xác định trong cuộc kiểm toán.

Ông Ines Metsalu-Nurminen, đại diện NAOE cho rằng: “Thật không công bằng khi chính quyền Thành phố thực hiện các giao dịch mua sắm lớn nhất và quản lý phần lớn chi tiêu của Thành phố nhưng hầu như không phải chịu các biện pháp kiểm soát nội bộ chặt chẽ. Điều này có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng trong tương lai”./.

(Theo NAOE và tổng hợp)

YẾN NHI