Phối hợp với ACCA đào tạo chuyên sâu cho khối ngân hàng

Kiểm toán - Ngày đăng : 13:14, 08/08/2024

(BKTO) - Sáng 08/8, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) về công tác phối hợp đào tạo kiến thức tài chính, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin cho khối ngân hàng.
anh-1.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc. Ảnh: Nguyễn Ly

Tham dự cuộc họp có ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc quốc gia ACCA, ông Phan Trường Giang - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường); cùng đại diện các đơn vị trực thuộc KTNN.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, thời gian qua, Trường được KTNN giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các Kiểm toán viên nhà nước; đồng thời mở rộng đào tạo cho các công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị, địa phương về một số lĩnh liên quan đến tài chính, kế toán, kiểm toán, các quy định và luật liên quan đến hoạt động kiểm toán.

anh-2.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Để mở rộng công tác đào tạo theo định hướng chuyên sâu, lâu dài, tăng cường năng lực chuyên môn về tài chính, kế toán, kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các đơn vị được kiểm toán, Trường sẽ tăng cường phối hợp với các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, trường đại học mở rộng hoạt động đào tạo ngoài ngành. Theo đó, Trường phối hợp với ACCA trên tinh thần phát huy thế mạnh của hai bên để mở chương trình đào tạo về tài chính ngân hàng, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm soát và kiểm toán; quản trị dữ liệu lớn…

Đối tượng học viên là nhân viên, kế toán, kiểm toán viên các ngân hàng. Thời gian đào tạo ngắn hạn. Nội dung đào tạo dựa trên chương trình đào tạo chuẩn quốc tế của ACCA, kết hợp với các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động kiểm toán của KTNN và cập nhật các quy định, hướng dẫn theo luật pháp của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

anh-3.jpg
Ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc quốc gia ACCA mong muốn phối hợp với KTNN để bổ sung vào chương trình đào tạo phần kiến thức thực tiễn từ hoạt động kiểm toán của KTNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Thống nhất với đề xuất của lãnh đạo KTNN, ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc quốc gia ACCA cho biết, các chương trình đào tạo của ACCA đã được công nhân trên toàn cầu, có uy tín và chất lượng cao. Đặc biệt, học viên tham gia các khóa đào tạo của ACCA sẽ nhận chứng chỉ được công nhận trên thị trường quốc tế. Dựa trên nhu cầu thực tế hiện nay, ACCA phối hợp với KTNN để bổ sung vào chương trình đào tạo phần kiến thức thực tiễn từ hoạt động kiểm toán của KTNN và cập nhật các thông tư, nghị định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng mà các cơ quan quản lý ban hành.

Bên cạnh đó, ACCA sẽ đào tạo chuyên sâu về phát triển bền vững, tài chính xanh, định giá doanh nghiệp. Đây là những nội dung các ngân hàng rất quan tâm và ACCA đã có chương trình đào tạo, cần KTNN phối hợp bổ sung các kinh nghiệm thực tiễn và quy định pháp luật của Việt Nam, ông Tô Quốc Hưng kiến nghị.

dsc_6628.jpg
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang đề xuất một số nội dung trong chương trình đào tạo. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại cuộc họp, các đại biểu đề xuất, để đảm bảo nội dung và tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, các khóa học diễn ra trong khoảng thời gian 2-3 tuần. Nội dung bao gồm 02 phần: chương trình đào tạo chuẩn của ACCA (giảng viên của ACCA thực hiện) và nội dung do KTNN thực hiện là các quy định pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, các trường hợp thường xảy ra sai sót trong lĩnh vực ngân hàng để cảnh báo, hướng dẫn khắc phục.

dsc_6618.jpg
Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Huy Hoàng đề xuất nội dung đào tạo về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn. Ảnh: Nguyễn Ly

Thống nhất với các nội dung trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đề nghị đại diện ACCA, KTNN chuyên ngành VII và Trường tiếp tục thảo luận, sớm hoàn thiện các chương trình đào tạo. Trước mắt, các đơn vị triển khai 02 khóa đào tạo ngắn hạn, có thể tổ chức đào tạo trực tiếp phối hợp trực tuyến.

Từ kinh nghiệm đào tạo, cấp chứng chỉ ACCA, Trường nghiên cứu để sớm phát hành được chứng chỉ đào tạo của Trường; phối hợp với các trường đại học, hiệp hội để mở rộng các khóa đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực, tiến tới tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, nâng cao chất lượng và uy tín của Trường cũng như của KTNN trong việc cung cấp các kiến thức thực tiễn về tài chính, kế toán, kiểm toán.

THÙY LÊ