Nhân dân mong chờ Luật Thủ đô sớm đi vào đời sống
Địa phương - Ngày đăng : 14:43, 10/08/2024
Đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị đặc thù
Luật Thủ đô (sửa đổi) là bước thể chế hóa quan trọng chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.
So với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 đã bổ sung đồng bộ, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; an sinh xã hội; thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới…
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô 2012). Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Các quy định trong Luật Thủ đô 2024 được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ từ Trung ương về Thành phố (về đầu tư, quy hoạch xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…). Đồng thời, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý, điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban công tác quý II/2024 giữa Thường trực HĐND Thành phố với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã mới đây, Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thủy cho biết, từ ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, cán bộ và nhân dân quận Bắc Từ Liêm mong chờ Luật được hiện thực hóa và tạo ra những đặc thù để đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị đặc thù.
Đặc biệt khi không còn HĐND phường, chức năng giám sát của HĐND phường do HĐND quận thực hiện. Việc tăng lượng cán bộ chuyên trách (thêm 1 phó chủ tịch và 2 ủy viên ban HĐND) là điều rất phù hợp với mong mỏi của HĐND các quận. “Thường trực HĐND quận mong muốn sớm có hướng dẫn nội dung này vì nhu cầu công việc hiện nay rất lớn. Nếu hiện thực hóa được quy định này sớm sẽ giúp thực hiện nhiệm vụ của HĐND thuận lợi, hiệu quả hơn - bà Nguyễn Thị Thủy cho hay.
Trong khi đó, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Luật Thủ đô 2024 được ban hành, điểm phấn khởi là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Đặc biệt, Luật đã giao HĐND Thành phố cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, để tránh lạm dụng ủy quyền tràn lan.
Cũng theo bà Hằng, Luật có quy định về tăng số lượng đại biểu chuyên trách các cấp HĐND thành phố, quận, huyện. Để Luật đi vào đời sống, cần kịp thời có hướng dẫn thực hiện bố trí cán bộ, biên chế, vị trí việc làm cũng như định hướng nhân sự tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ tới.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành cũng đề nghị, để triển khai Luật Thủ đô bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Thành phố cần sớm ban hành kế hoạch và hướng dẫn cho các quận, thị xã về mô hình tổ chức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô. Các hướng dẫn triển khai cần phải chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo tính khả thi cao, đặc biệt là các chính sách liên quan đến công tác cán bộ, phát triển đô thị, đầu tư công, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật
Theo thống kê, Luật Thủ đô (sửa đổi) giao Chính phủ quy định 06 nội dung, giao HĐND Thành phố 52 nội dung, UBND Thành phố 15 nội dung. Trước mắt, Thành phố sẽ tham gia với các cơ quan Trung ương xây dựng, trình Chính phủ 4 nội dung, Thành phố cần ban hành 30 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, 12 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố, trước ngày 01/01/2025 để có hiệu lực cùng với Luật Thủ đô.
Ngoài ra, để các quy định này đi vào cuộc sống, Thành phố còn cần ban hành rất nhiều các đề án, danh mục, văn bản cá biệt (19 nhiệm vụ) được giao theo Luật để cùng với các văn bản quy phạm pháp luật tạo thành các cơ chế, chính sách, thiết chế thống nhất để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải tiến hành rà soát một cách tổng thể, toàn diện những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Thành phố để xác định các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp với Luật Thủ đô và các văn bản thi thành Luật.
Để triển khai kịp thời, hiệu quả nội dung này, ngày 7/8 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thủ đô.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu rà soát các nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp của Thành phố ban hành. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Thủ đô phải được thực hiện bảo đảm về nội dung, trình tự rà soát và xử lý kết quả rà soát theo quy định. Kết quả rà soát văn bản được lập thành danh mục, gồm: danh mục văn bản còn hiệu lực pháp luật, danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ, danh mục văn bản hết hiệu lực một phần, danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế… Thời gian thực hiện trong tháng 8 và tháng 9/2024.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành của Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.
HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô.
Thông qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật Thủ đô để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố./.