Quy định khống chế chi phí lãi vay 20% - nhiều doanh nghiệp nội kêu khó
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:15, 03/12/2018
(BKTO) - Nhiều DN trong nước cho biết, họ đang gặp khó khăn với quy định khống chế chi phí lãi vay 20% đối với các giao dịch liên kết tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 20).
Doanh nghiệp nội đề nghịbỏ quy định khống chếchi phí lãi vay 20%
Trên diễn đàn Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - là người đầu tiên nêu lên những khó khăn liên quan đến vấn đề này. Theo Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh cộng với lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ. Điều này có nghĩa, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Bà Cúc nhận định: Việc khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét lại để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Theo bà Cúc, Luật Thuế thu nhập DN chưa quy định mức khống chế chi phí lãi vay với các DN nên việc khống chế lãi vay 20% với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp. Các tập đoàn, tổng công ty sẽ gặp rất nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định về tỷ lệ khống chế lãi vay. Cho nên, Bộ Tài chính cần xem xét lại vấn đề này để chính sách vừa theo thông lệ quốc tế nhưng phải vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tạo điều kiện để DN Việt Nam phát triển.
Ngay sau phần phát biểu của bà Cúc, bà Vũ Thị Ngọc Anh - đại diện Tập đoàn Vingroup - cũng nêu lo lắng: Việc khống chế tỷ lệ lãi vay 20% đối với các giao dịch liên kết khiến các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con bị ảnh hưởng rất lớn. Vingroup đầu tư vào các lĩnh vực cần nhiều vốn như: nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, sản xuất công nghiệp nặng và không thể có lãi ngay. Đặc biệt, trong thời gian đầu, các dự án của Vingroup không thể tự vay vốn ngân hàng mà phải thông qua công ty mẹ nên chi phí lãi vay rất lớn. Trong khi đó, nếu chiếu theo quy định, chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ được coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Bởi vậy, đại diện đơn vị này đề xuất tạm thời chưa áp dụng quy định này và sửa đổi Nghị định 20.
Bà Lê Thị Ngọc Trâm - Kế toán trưởng của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) - cũng nêu vấn đề tương tự. Bà Trâm cho biết, VCBS chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động thuê văn phòng với công ty mẹ là Vietcombank. Các chi phí về lãi vay đều tới từ bên độc lập, không phải bên liên kết nhưng Công ty vẫn phải chịu giới hạn chi phí lãi vay và phải kê khai, nộp thuế bổ sung. Tương tự đại diện của Vingroup, bà Trâm cũng đề xuất cơ quan quản lý sớm xem xét, sửa đổi quy định về việc khống chế lãi vay 20%.
Đại diện ngành thuế nói gì?
Với kỳ vọng làm sáng tỏ những băn khoăn trên, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - cho biết: Nghị định 20 được ban hành trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và G20 (Nhóm các nền kinh tế lớn) về việc chống chuyển giá cũng như chống xói mòn nguồn thu. Kết quả khảo sát nội dung này ở 12.000 tập đoàn trên toàn cầu cho thấy, nhiều nước đã khuyến nghị tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 10 - 30%. Những năm 2000, nước Anh chỉ khống chế chi phí lãi vay đối với các bên liên kết, hệ quả là toàn bộ công ty đa quốc gia đã tái cơ cấu các khoản vay qua ngân hàng trung gian để né quy định… Đó là lý do vì sao Việt Nam chọn mức 20% và quy định không chỉ khống chế chi phí lãi vay với các giao dịch liên kết mà còn áp dụng với cả giao dịch độc lập. Việc khống chế như vậy đã làm lành mạnh tình hình tài chính của DN và nền kinh tế.
Ông Tuấn cho biết thêm, từ khi Nghị định 20 có hiệu lực, cơ quan thuế đã khảo sát hàng nghìn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam, nhưng chưa nhận được kiến nghị nào bằng văn bản về vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam có hơn 600.000 DN trong nước đang hoạt động, trong đó, hơn 4.500 DN có giao dịch liên kết phải thực hiện theo Nghị định 20. Trong số hơn 4.500 DN nói trên, chỉ khoảng 423 đơn vị có chi phí lãi vay vượt trần 20%, tức là chưa tới 1% DN đang hoạt động chịu sự tác động của Nghị định này.
Ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, tham gia cuộc chơi toàn cầu, DN muốn làm ăn toàn cầu nhưng lại muốn chính sách riêng thì khó. Tuy nhiên, đại diện ngành thuế cũng cho biết, cơ quan thuế sẽ làm việc với DN để nghiên cứu về vấn đề trên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận, đây là vấn đề nóng được DN đặc biệt quan tâm. Thứ trưởng cam kết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp.
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch... Vị lãnh đạo ngành tài chính cũng mong muốn, DN Việt Nam cần chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đủ các quy định về thuế, hải quan.
LƯU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018