Việt Nam đứng thứ 55/166 quốc gia được xếp hạng về phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 10:42, 13/08/2024

(BKTO) - Theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số phát triển bền vững SDGs (SDGs Index), năm 2023, Việt Nam đạt điểm số 73,3 và xếp thứ 55/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện nhưng vị trí chưa thay đổi so với năm 2022.
ptbv.jpg
Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn. Ảnh: Phương Hà

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra trong báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 (Báo cáo SDGs năm 2023) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trình Chính phủ và Quốc hội mới đây.

Theo Bộ KHĐT, việc thực hiện các mục tiêu SDGs trong năm 2023 tiếp tục đạt được một số kết quả nhất định, thể hiện ở một số chỉ tiêu nổi như về xóa nghèo; việc tiếp tục triển khai hiệu quả trên toàn quốc các hệ thống và biện pháp an sinh xã hội; việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế...

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 3,2%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời...

Báo cáo cho thấy, trong năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,05%, thấp hơn năm 2022 (8,02%) và mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và trong khu vực. Quy mô GDP theo giá hiện hành tiếp tục tăng, ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 199,3 triệu đồng/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022.

Các ngành lĩnh vực tiếp tục được cơ cấu lại, trong đó, ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.

Theo đó, năm 2023, đã có 475 km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là gần 1.900 km.

Các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng thường xuyên được rà soát, hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng ước đạt 260.400 doanh nghiệp.

Nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ được tiếp tục quan tâm ở các cấp chính quyền. Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo được đẩy mạnh với khoảng 1,6 triệu hộ nghèo/cận nghèo được hỗ trợ sử dụng một trong hai dịch vụ viễn thông di động mặt đất hoặc dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại Hội nghị COP 28. Đây được xem là cơ sở để thu hút nguồn hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế quốc tế cho việc triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng.

Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh triển khai.

Các hình thức phổ biến pháp luật tài nguyên môi trường nói chung và các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai nói riêng đã được tiếp cận, đổi mới. Cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai như hệ thống trạm quan trắc, đê điều, hồ chứa, các công trình thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền,… tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả.

Theo Báo cáo, hiện, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi bình quân năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 11,9% (giảm 5,5% 8 so với mức bình quân là 17,4% tại thời điểm gia nhập WTO vào năm 2007).

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 không đạt được như kỳ vọng. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp đạt khoảng 28,3 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, bài bản, toàn diện, tích cực tìm kiếm và huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp.../.

Báo cáo SDGs năm 2023 tập trung đánh giá tình hình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, gồm:

(1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi;

(2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững;

(3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi;

(4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;

(5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái;

(6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người;

(7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người;

(8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người;

(9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới;

(10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội;

(11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng;

(12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững;

13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai;

(14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững;

(15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất;

(16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp;

(17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững. 

M. THÚY