Động lực mới để Nam Định tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng
Địa phương - Ngày đăng : 14:03, 13/08/2024
Từ ngày 01/9, các đơn vị hành chính mới của Nam Định đi vào hoạt động
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh thường xuyên đi sâu đi sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, trong đó đặc biệt chú ý các trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để có phương án giải quyết, hỗ trợ thấu tình, đạt lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Theo đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, ngày 23/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1104, đây là Nghị quyết có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Nam Định trong thời gian tới. Ngày 08/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 114-KH/UBND đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả Nghị quyết 1104; các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp đi vào hoạt động từ ngày 01/9/2024, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, bình thường, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025 diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đặt ra nhiệm vụ "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước" và yêu cầu về "xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm hết sức vụ quan trọng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1104 nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, “quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 1104 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Xã mạnh góp phần huyện mạnh, huyện mạnh góp phần tỉnh mạnh, mỗi tỉnh mạnh thì góp phần cho Trung ương và cả nước mạnh” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định trên tinh thần đoàn kết đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển và phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới.
Giữ vững và duy trì sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện
Việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tư tưởng, tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán hình thành từ lâu đời của Nhân dân mỗi địa phương.
Do đó, để thực hiện tốt Nghị quyết 1104 đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết 1104, nhất là các quy định, hướng dẫn về chế độ chính sách của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và tích cực triển khai thực hiện đạt kết quả, hiệu quả cao nhất.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức đảm bảo nguyên tắc thống nhất tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức cùng cấp, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; không để trụ sở bỏ hoang, bỏ trống, kịp thời sử dụng hoặc thanh lý theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi thay đổi con dấu, giấy tờ trong thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng tỉnh Nam Định sẽ thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giữ vững và duy trì sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước, là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng, như lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Nam Định: “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc”./.
Theo Nghị quyết 1104, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Mỹ Lộc vào TP. Nam Định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị về thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Nam Định; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2024. Sau sắp xếp, Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 1 thành phố và 8 huyện); 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn).