Triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân

Xã hội - Ngày đăng : 15:00, 13/08/2024

(BKTO) - Tính chung 7 tháng năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 1.481 tỷ đồng.
12.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đi thăm, kiểm tra điều kiện ăn ở, sinh hoạt và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: hanoi.gov.vn

Quan tâm, thăm hỏi kịp thời người có công với cách mạng và thân nhân

Theo Kế hoạch số 235/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc tặng quà tới các đối tượng chính sách là người có công, cơ sở cách mạng nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc Khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), Thành phố sẽ tặng quà mức 2 triệu đồng/suất gửi tới: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (tiền khởi nghĩa); người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”; người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”.

Thành phố ủy quyền cho lãnh đạo quận Hà Đông, các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đông Anh, Ứng Hòa tổ chức thăm hỏi, tặng quà các tập thể có cơ sở cách mạng, mức quà tặng 16 triệu đồng/đơn vị; ủy quyền lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã thăm, tăng quà 60 gia đình là người có công tiêu biểu thuộc đối tượng được tặng quà nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2/9/2024.

Tổng số đối tượng tặng quà gồm 2.891 suất quà với tổng kinh phí là 6,12 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách cấp Thành phố, cấp huyện theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 7/2024, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 1.012 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan với tổng kinh phí gần 857 triệu đồng. Đồng thời, Sở tiếp nhận và giải quyết 6.221 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan với tổng kinh phí trên 4,9 tỷ đồng.

Các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp các quận, huyện, thị xã đón và thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 2.348 lượt người có công và thân nhân với số tiền trên 11 tỷ đồng...

Tính chung 7 tháng năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 1.481 tỷ đồng. Trong đó, chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 79.153 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.274 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 125 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng; chi điều dưỡng 47 tỷ đồng.

Nhân dịp Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Sở đã tham mưu Thành phố ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về tổ chức các hoạt động tri ân. Trong đó, trao tặng 120.551 suất quà cho người có công với tổng kinh phí 190,72 tỷ đồng. Đến ngày 27/7, các địa phương cơ bản đã triển khai xong việc thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước và quà của Thành phố đến các đối tượng chính sách theo quy định.

Ngoài ra, các quận, huyện thị xã, các cơ quan, đoàn thể đã có quà tặng đến đối tượng người có công của địa phương, cơ quan đơn vị quản lý, cụ thể với tổng số là 299.553 suất quà, tương đương hơn 237,8 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa là 54.525 suất, kinh phí gần 16 tỷ đồng).

Hà Nội đề xuất hỗ trợ người có công và thân nhân gần 1,4 triệu đồng/tháng

UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng của Hà Nội; đang được lấy ý kiến góp ý.

Đối tượng được áp dụng chính sách này là người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Thành phố theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh.

Ngoài ra còn có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; con đẻ bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Các đối tượng người có công và thân nhân người có công nói trên được hỗ trợ chính sách đặc thù hàng tháng bằng 0,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo quy định tại Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ, từ ngày 01/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng. Như vậy, với việc UBND Thành phố Hà Nội đề xuất hỗ trợ hàng tháng người có công với cách mạng và thân nhân người có công bằng 0,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, tương ứng với 1.389.500 đồng/tháng.

Mức hỗ trợ thay đổi khi quy định về mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thay đổi. Trường hợp 1 cá nhân hưởng chính sách ưu đãi của nhiều loại đối tượng người có công và thân nhân thì nhận hỗ trợ đối với 1 loại đối tượng. Ngân sách Thành phố đảm bảo theo phân cấp. Riêng năm 2025, ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện chính sách theo quy định.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội tích cực kêu gọi các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2024. Tính đến ngày 27/7, toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 33,7/22,8 tỷ đồng; đặc biệt, một số quận đã vận động được số tiền vượt mức Thành phố đề ra.

Thành phố và các quận, huyện thực hiện vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 159 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 6,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương tặng 1.734 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 139,3% kế hoạch với số tiền gần 5,4 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí gần 157,3 tỷ đồng, đạt 171% so với kế hoạch. 57/57 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng./.

THÙY LÊ