Nghệ An: Nắm chắc địa bàn, tăng cường hiệu quả phòng, chống mua bán người

Địa phương - Ngày đăng : 11:21, 14/08/2024

(BKTO) - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An vừa  khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người và tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn).
120820241002-0812na-1-.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung  trao đổi với lực lượng Công an. Ảnh: baonghean.vn

Qua khảo sát tại xã Bảo Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận địa phương đã bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện để triển khai công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Trong đó, địa phương chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức; cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị xã cũng đã phối hợp với Công an xã tăng cường công tác phát hiện, tố giác, đấu tranh và xử lý các trường hợp mua bán người trên địa bàn.

Tính từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an xã Bảo Nam đã phối hợp với các lực lượng các cấp phá 10 chuyên án mua bán người, bắt 18 đối tượng, giải cứu thành công 12 nạn nhân.

Địa phương cũng quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về địa phương ổn định cuộc sống; như hỗ trợ về tài chính, xây dựng nhà ở và tư vấn tâm lý, nhằm đảm bảo nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng và không ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

Thông qua khảo sát và trao đổi với cấp uỷ, chính quyền và các lực lượng ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đã ghi nhận thực tế, mặc dù tình trạng mua bán người ở xã Bảo Nam đã có chiều hướng giảm hơn so với trước đây song đây vẫn đang là địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người của huyện Kỳ Sơn. Đoàn đại biểu cũng đã tìm hiểu, phân tích rõ các yếu tố cốt lõi dẫn đến tình trạng mua bán người ở địa phương.

Theo đó, vấn đề quan tâm nhất là nhận thức văn hoá và pháp luật của người dân hạn chế. Mặt khác, điều kiện kinh tế gia đình và việc làm ở địa phương khó khăn, trong khi đó tư tưởng, mong muốn của một số người mua đi ra để thay đổi cuộc sống nên dẫn đến trở thành đối tượng bị mua bán người…

120820241012-0812na-7-.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: baonghean.vn

Tại Hội nghị, một số ý kiến cũng đã góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Trong đó, các ý kiến đề xuất cần gắn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ sở trường học trong công tác phòng, chống mua bán người; bổ sung thêm các hình thức tuyên truyền, nhất là tăng cường tập huấn, phổ biến pháp luật đến cán bộ, đảng viên và đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội; quan tâm biểu dương gương người tốt, việc tốt và tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Chia sẻ với nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống mua bán người tại địa phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, bà Thái Thị An Chung đã gợi mở một số giải pháp phòng, chống mua bán người đối với địa phương.

Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền có tập trung, trọng điểm, nhất là tuyên truyền trong các nhà trường, từ xa, từ sớm trong học sinh, phát huy vai trò của các dòng họ và chính nạn nhân của mua bán người để tuyên truyền...; tranh thủ sự chỉ đạo của Công an huyện và xã để nắm bắt các thủ đoạn mua bán người, nắm chắc địa bàn để phân loại đối tượng tuyên truyền cảnh báo, cảnh giác, phòng ngừa hiệu quả.

Cùng với đó là tăng cường quản lý chặt chẽ hộ tịch, người đi - người đến ở địa bàn; quản lý các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác tư vấn, tuyển dụng, đưa lao động đi làm ngoài địa bàn nhằm tăng cường biện pháp phòng ngừa.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng ghi nhận một số khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người cũng như các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người hiệu quả trong thời gian tới.

Đ. KHOA