Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 15/08/2024

(BKTO) - Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, hạn chế trong tiếp cận vốn đang là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của bộ phận DN này, do đó rất cần những giải pháp đồng bộ để “khơi thông”.
12.jpg
Các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Ảnh minh họa

Nhiều rào cản hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Với tỷ trọng chiếm đến khoảng 90% tổng số DN Việt Nam, hằng năm, bộ phận DNNVV đóng góp rất lớn vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội và ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các DNNVV thu hút một lượng lớn lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội… Mặc dù có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, song hiện nay, khu vực DNNVV vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội gần đây, một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV là khó tiếp cận vốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái.

Chỉ ra lý do khiến bộ phận DNNVV khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều DN có số liệu tài chính thiếu minh bạch, thiếu chính xác, thiếu tài sản đảm bảo; phần lớn DNNVV không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ… nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng. Cộng đồng này cũng hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của DN thường thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, các DNNVV đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn, nên khó tiếp cận vốn vay mới để phục vụ hoạt động. Ngoài ra, DN cũng có thể gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp, ví dụ như tài sản đảm bảo là bất động sản bị vướng vào khu vực quy hoạch treo, công trình trên đất xây dựng không đúng giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn…

Ở chiều ngược lại, về phía ngành ngân hàng, mục tiêu quan trọng nhất của họ là an toàn, sau đó mới đến hiệu quả, an toàn cho chính ngân hàng cấp tín dụng và an toàn cho hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Ngân hàng luôn mong muốn cho vay càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề mấu chốt là có thu nợ được không. Trước khi cho vay, nếu ngân hàng không nhìn thấy khả năng thu hồi nợ, dự án không khả thi, năng lực tài chính DN yếu kém thì chắc chắn ngân hàng sẽ “khép cửa”.

Đồng bộ giải pháp để “khơi thông”

Với vai trò, đóng góp to lớn cho nền kinh tế - xã hội, các chuyên gia cho rằng, cần khơi thông các nguồn lực để hỗ trợ DNNVV phát triển, trong đó có nguồn vốn. Để thực hiện được mục tiêu này, cần sự phối hợp đồng bộ của các chính sách, cũng như sự chung sức từ hai phía Chính phủ và cộng đồng DN.

Đưa khuyến nghị cụ thể, theo các chuyên gia, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN nếu chỉ hỗ trợ bằng chính sách tín dụng là không đủ, bởi lãi suất chỉ là một trong các yếu tố khiến DN hạn chế tiếp cận tín dụng hoặc không có nhu cầu vay vốn. Theo đó, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và tập trung khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, qua đó gia tăng các đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các giải pháp kích cầu nội địa, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tạo đầu ra cho hàng hóa, sản phẩm của các DN, từ đó làm gia tăng nhu cầu tín dụng của DN đối với hệ thống ngân hàng.

Về phía DN, các DN cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN; mở rộng tìm kiếm các đối tác để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hoá, giảm thiểu lượng hàng tồn kho. Đặc biệt, DN cần xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền; đồng thời, nâng cao năng lực quản trị DN, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

Nhìn về dài hạn, bà Phạm Thị Thanh Huyền - Cán bộ quản lý Chương trình Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam và Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - cho rằng, muốn tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV, Việt Nam cần gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thị trường tín dụng, bao gồm: Hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng, phát triển thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu độc lập, hệ thống giao dịch bảo đảm… Bởi lẽ, chỉ khi có dữ liệu đa dạng và chính xác, các ngân hàng mới từng bước thay đổi văn hóa cho vay, dần thoát khỏi việc chỉ tập trung vào cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là bất động sản, phát triển các sản phẩm cho vay có tính đổi mới, ví dụ như tài trợ vốn có bảo đảm là bất động sản, tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh, tài trợ chuỗi cung ứng, bao thanh toán, tài trợ bền vững (tài trợ xanh/chống biến đổi khí hậu)…

Cũng theo bà Huyền, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và phát triển tốt hệ thống báo cáo tín dụng thông qua Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Tuy nhiên, Việt Nam cần phát triển một không gian lớn hơn cho “dữ liệu thay thế ngoài báo cáo tín dụng” - một thị trường dành cho các nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ ba. “Việc phát triển thị trường phân tích dữ liệu với sự tham gia của các bên thứ ba độc lập giúp đảm bảo chất lượng thông tin nhất quán; tiết kiệm nguồn lực cho các ngân hàng… Đặc biệt, chỉ khi nền tảng dữ liệu minh bạch, đa dạng và chính xác, các ngân hàng mới tự tin thoát ly tài sản bảo đảm là bất động sản, nút thắt lớn trong tiếp cận tín dụng của DNNVV hiện nay” - bà Huyền nhấn mạnh./.

DIỆU THIỆN