Thực hiện nghiêm túc dân chủ trong Đảng, trong dân

Chính trị - Ngày đăng : 10:00, 15/08/2024

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay luôn quan tâm, thực hiện tốt vấn đề dân chủ trong Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội. Thực tế cho thấy mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đều thực sự vì Nhân dân, xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc (ngày 13/9/1958). Ảnh tư liệu

Nguyên tắc cơ bản, có tính sống còn của Đảng là thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và không ngừng củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện được mục tiêu đó chính là thực hiện nghiêm túc dân chủ trong Đảng, trong dân, trong toàn xã hội.

Trong khi đó, dân chủ luôn là nội dung mà các thế lực thù địch, thế lực xấu thường lợi dụng để chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Những kẻ chống phá cho rằng trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như xã hội Việt Nam hiện nay chỉ có độc Đảng, độc quyền chứ không có dân chủ. Chúng kích động, kêu gọi Nhân dân muốn có dân chủ thì phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ Đảng Cộng sản, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa…

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu, làm rõ một số nội dung dưới đây để thấy rõ bản chất thâm độc, xấu xa của những kẻ chuyên chống đối, phá hoại.

Trước hết, vấn đề dân chủ được quy định rõ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng khẳng định từ rất sớm Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, đây là nguyên tắc cơ bản của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích cụ thể dân chủ tập trung nghĩa là Đảng có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất; cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Hồ Chủ tịch yêu cầu các tổ chức đảng, mọi đảng viên phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ tập trung, thực hiện tốt mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng, hữu cơ giữa dân chủ với tập trung theo tinh thần tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Người đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc dân chủ trong Đảng, nhấn mạnh đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người nêu cụ thể biểu hiện của dân chủ trong Đảng khi cấp trên, cấp dưới thực hiện tự phê bình và phê bình: “Cấp trên phải tự phê bình, cấp dưới có quyền đòi hỏi dân chủ. Phê bình giúp cấp trên, đó là dân chủ đúng mức, không phải tự do quá trớn, tự do bừa bãi!”.

Những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên quán triệt, vận dụng vào thực tế xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới. Trong đó, nổi lên là chủ trương của Đảng: “Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng” và: “Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân”.

Cùng với dân chủ tập trung trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam còn chú trọng thực hiện dân chủ tập trung trong dân, trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng muốn thành công thì nhất thiết phải dựa vào nhân dân, có nhân dân là có tất cả, Người khẳng định: Việt Nam là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; từ đó, Người yêu cầu phải thực hiện thật tốt vấn đề dân chủ trong dân, trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nêu rõ: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng, Nhà nước ta luôn yêu cầu dân chủ phải được thực hiện nghiêm túc, thực chất, hài hòa, gắn chặt với kỷ cương, phép nước; không được dân chủ hình thức hay dân chủ quá trớn, dân chủ theo kiểu “vô chính phủ”, vi phạm pháp luật. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở: Mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương; không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, “trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Đồng thời, chúng ta cũng đã và đang làm tốt việc đấu tranh phòng, chống sự xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, thế lực xấu về vấn đề dân chủ cũng như kiên quyết, kiên trì: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm ảnh hưởng đến quyền làm chủ của nhân dân”.

Tình hình cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi vấn đề dân chủ trong Đảng, trong dân càng phải được quan tâm và thực hiện tốt hơn. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn xác định mục tiêu, phương pháp tích cực, hiệu quả nhằm thực hiện với hiệu quả cao nhất nội dung về dân chủ. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng coi trọng thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân và tăng cường đồng thuận xã hội. Nghị quyết cũng chỉ rõ phải tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết của Đảng chỉ ra nội dung, phương châm của dân chủ là thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; trong đó đặc biệt nhấn mạnh dân chủ ở cơ sở và thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cũng đồng thuận và nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu chung về dân chủ mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra, trong đó: Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân và cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội.

Chúng ta tin tưởng, kỳ vọng đất nước sẽ đi đến tương lai tươi sáng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa khẳng định trong bài viết: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội…”./.

CÔNG MINH