Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 13:48, 15/08/2024
Động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế
Theo ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Green+, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế (VEC) - hiện nay, các DN khởi nghiệp ĐMST đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu. Những DN này không chỉ đơn thuần là những công ty mới thành lập, mà còn là những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB - cho rằng, trong bối cảnh kinh tế, xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức, các mô hình khởi nghiệp ĐMST đã giúp tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 4.000 DN khởi nghiệp được thành lập, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục. Hiện, Việt Nam có 4 “kỳ lân” công nghệ được định giá hơn 1 tỷ USD là: MoMo, Sky Mavis, VNG, VNLIFE và hơn 10 DN khởi nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD... Mặc dù, 4 “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn so với các “kỳ lân” công nghệ lớn trên thế giới, nhưng sự xuất hiện đó đã giúp Việt Nam đứng thứ ba, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia, về số lượng các “kỳ lân” công nghệ trên bản đồ khu vực.
Theo các chuyên gia, các DN khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Năm 2021, vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp đạt mốc kỷ lục gọi vốn là 1,35 tỷ USD, biến Việt Nam trở thành thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn bậc nhất trong khu vực với những thương vụ lớn, gây ấn tượng mạnh với thị trường như: Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD, VNLife được đầu tư 250 triệu USD...
Năm 2023, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước, các DN khởi nghiệp của Việt Nam vẫn cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao. Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 nêu rõ, trong năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD. "Tuy giảm 17% so với năm 2022, nhưng so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước nhiều thách thức trên thị trường vốn" - Báo cáo nhận định.
Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế và là một trong ba quốc gia có kết quả ĐMST vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vẫn đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị đầu tư đạt 413 triệu USD.
Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, các DN khởi nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách tập trung vào những sáng kiến thân thiện với môi trường và có ích cho cộng đồng. Điển hình như EcoTech Việt Nam đang phát triển giải pháp xử lý rác thải và tái chế, hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống. Những nỗ lực này không chỉ giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, mà còn tạo ra giá trị kinh tế từ việc tái chế rác thải thành các sản phẩm có ích cho xã hội.
Thách thức và rào cản
Mặc dù ĐMST mang lại nhiều cơ hội, song không phải DN nào cũng nắm bắt được những cơ hội đó. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về ĐMST công bố vào cuối năm 2021 cho thấy, 90% số DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, tiềm lực hạn chế, nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, ĐMST còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Phạm Anh Cường, thiếu vốn là trở ngại lớn nhất với các DN khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những DN dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu (chiếm 38%) dẫn đến sự thất bại của các DN khởi nghiệp.
Theo Khảo sát Khởi nghiệp ĐMST năm 2023 của WB, có tới 69% DN được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển. Kết quả khảo sát cho thấy, sự hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp dành cho khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam còn chưa cao. "Quy mô chung của thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore và Indonesia. So với mức đỉnh 165 giao dịch tại Việt Nam vào năm 2021, Singapore đạt đến 303 giao dịch" - báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh khó khăn về đói nguồn vốn, theo các chuyên gia, DN khởi nghiệp ĐMST cũng phải đối mặt với nhiều rào cản về quản lý, thị trường, các vấn đề pháp lý và chính sách hỗ trợ, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng...
Để khắc phục những rào cản này, ông Đặng Đức Thành cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước, cung cấp một môi trường pháp lý thân thiện hơn với các DN khởi nghiệp. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính để tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, cũng như các chính sách và biện pháp hỗ trợ tài chính đa dạng hơn cho các DN khởi nghiệp ĐMST...
Bên cạnh đó, để tự cứu lấy mình, các DN khởi nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng năng lực quản lý, mở rộng mối quan hệ và hiểu biết thị trường; đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và cập nhật công nghệ, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường hiện đại./.