Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:49, 15/08/2024
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa. Các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó có CNVH luôn nhất quán, không ngừng phát triển. Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đã khẳng định quan điểm: “Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội để phát triển các ngành CNVH”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Những năm qua, ngành CNVH đang phát triển hết sức mạnh mẽ, trở thành xu hướng trên thế giới. Với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, trở thành ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận kinh tế cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng
Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp ngành, thời gian qua các ngành CNVH dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Giờ đây, nhắc đến lĩnh vực văn hóa không còn đơn thuần là lĩnh vực chỉ biết tiêu tiền, mà những giá trị văn hóa còn đóng góp trực tiếp vào GDP, cũng như góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đơn cử, năm 2023, CNVH đóng góp cho GDP cả nước khoảng hơn 4%. Đóng góp này cũng thể hiện rõ trong từng lĩnh vực cụ thể, như năm 2023 tổng doanh thu hơn 25 phim Việt ra rạp đạt 1.563 tỷ đồng, đây cũng là năm đầu tiên thị phần phim nội địa chiếm hơn 42% thị trường tại Việt Nam; riêng doanh thu từ du lịch văn hóa đạt gần 38.000 tỷ đồng… “Dư địa để phát triển các ngành CNVH còn rất lớn, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách toàn diện” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Còn theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những con số trên đã cho thấy đóng góp rất đáng kể của các ngành CNVH cho nền kinh tế. Điều này cũng chứng minh được rằng, chủ trương phát triển các ngành CNVH là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời gợi mở yêu cầu mới để khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, lợi thế của đất nước trong phát triển CNVH.
Để thúc đẩy phát triển CNVH, cần tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển các ngành CNVH, bắt đầu từ việc ban hành, sửa đổi các luật chuyên ngành và quy định có liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực cho văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đây là yếu tố then chốt nhất.
PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành CNVH vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực. Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành CNVH (du lịch, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế…
Để công nghiệp văn hóa “cất cánh”
Phát triển CNVH đang đứng trước những cơ hội lớn, song cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng, đặc biệt là ngành văn hóa cần có cách tiếp cận mới, nắm bắt xu thế mới để xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao trong các ngành CNVH. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) chia sẻ, sự thay đổi nhanh chóng về tốc độ, quy mô khiến cho CNVH khác so với trước đây. Thách thức lớn hiện nay đó là việc doanh nghiệp, người làm sáng tạo, Nhà nước phải kịp thời nắm bắt công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đưa ra sản phẩm CNVH phù hợp với nhu cầu của thị trường; đồng thời thể hiện rõ bản sắc, giá trị văn hóa Việt.
Qua thực tiễn nghiên cứu, giám sát việc thực hiện chính sách về văn hóa, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, để thúc đẩy phát triển CNVH, cần tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển các ngành CNVH, bắt đầu từ việc ban hành, sửa đổi các luật chuyên ngành và quy định có liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực cho văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đây là yếu tố then chốt nhất. Ngoài ra, cần xây dựng một số thương hiệu cho các ngành CNVH Việt Nam, từ đó tạo đòn bẩy cho quá trình hợp tác quốc tế, tạo môi trường kích thích sáng tạo, đam mê đối với sự phát triển các ngành CNVH trong toàn xã hội.
Từ góc độ thu hút đầu tư cho văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như vấn đề hợp tác đầu tư công - tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản; định mức, đơn giá trong xây dựng các sản phẩm CNVH… Nêu dẫn chứng, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, cần phải mở rộng đối tượng nhận kinh phí đặt hàng của Nhà nước để hợp tác sáng tạo phim, không giới hạn là công hay tư. Mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm điện ảnh Việt có chất lượng ra thị trường, thay vì như vừa qua, doanh số phát hành lớn nhưng chủ yếu đến từ các phim nhập khẩu. Còn theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội, để thống nhất mục tiêu định vị bản sắc văn hóa, thúc đẩy ngành CNVH Việt Nam có vị thế cạnh tranh hơn, thì cần có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển CNVH, đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện và có sự liên kết trong triển khai CNVH một cách đồng bộ.
Nhấn mạnh việc phát triển các ngành CNVH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, Bộ VHTTDL đã thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập, trong đó có vấn đề về cơ chế, chính sách; nâng cao nhận thức về phát triển CNVH; thu hút đầu tư cho CNVH… Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang được Quốc hội cho ý kiến thảo luận, với mục tiêu phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, phấn đấu đến năm 2035 các ngành CNVH đóng góp 8% vào GDP của cả nước. Nhiều ý kiến kỳ vọng, nếu được thông qua và triển khai hiệu quả, đây sẽ là đòn bẩy chính sách và nguồn lực quan trọng cho các ngành CNVH “cất cánh”./.