Công khai, minh bạch trong huy động, quản lý nguồn xã hội hóa cho bảo tồn di sản

Xã hội - Ngày đăng : 14:26, 15/08/2024

(BKTO) - Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách có hạn, nên yêu cầu cần có thêm nguồn lực để hỗ trợ công tác này được đánh giá là phù hợp.
dsc_0029.jpg
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho bảo tồn, phát huy giá trị của di sản là rất cần thiết. Ảnh: N.Lộc

Nguồn kinh phí cho bảo tồn di sản từ ngân sách gặp khó

Lâu nay việc trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các công trình di sản Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn được quan tâm, nhưng vì nguồn lực có hạn nên ít nhiều vẫn gặp trở ngại, trong đó kinh phí là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ngân sách lại có hạn, không thể chạy đua kịp với sự xuống cấp của các công trình di sản.

Vì thế, Quỹ Bảo tồn di sản Huế chính thức thành lập theo Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã mở ra một cơ chế đặc biệt dành riêng cho di sản Huế. Cơ chế này giúp cho tỉnh chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản, đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích đang nguy cấp. Khi ra đời, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đề ra nhiệm vụ rõ ràng, từ việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho đến tài trợ các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Sau một thời gian thực hiện, từ nguồn quỹ đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, tôn tạo di tích. 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm…

Không chỉ có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hệ thống di sản phong phú của Việt Nam còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo tồn di sản.

dsc_0004.jpg
Thời gian qua, nhiều di tích văn hóa bị xuống cấp, nhưng không có kinh phí tu sửa, do ngân sách khó khăn. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn, với nhiều nhiệm vụ chi cấp thiết khác dẫn đến nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội nêu rõ, trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, kinh phí từ ngân sách nhà nước bố trí 245 tỷ đồng, hỗ trợ 471 lượt di tích trên địa bàn cả nước, trong tổng số 3.599 di tích quốc gia, chưa giải quyết được mục tiêu chống xuống cấp di tích mà chỉ mang tính chất chống đỡ cục bộ, chưa đặt di tích ở trong tình trạng tồn tại bền vững lâu dài, nhiều di tích quốc gia chưa được tu bổ, có nguy cơ không những làm biến dạng di tích, mất đi yếu tố gốc và giá trị vốn có, nghiêm trọng hơn là nguy cơ đổ sập.

Trong khi đó, kinh phí thực hiện tu bổ di tích chủ yếu do các địa phương đối ứng và huy động từ nguồn xã hội hóa. Đây là nguồn lực đáng kể, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn di tích, song hiện gặp lúng túng trong công tác quản lý hoặc mỗi nơi làm một kiểu nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả cao nhất. 

Cần luật hóa Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Trước những khó khăn về kinh phí cho công tác bảo tồn di sản, cũng như yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với nguồn kinh phí thu được từ xã hội hóa cho công tác bảo tồn di sản, Bộ VHTTDL đã đề xuất xây dựng Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa (Quỹ) để huy động những nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác này.

Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nội dung về Quỹ đã được xây dựng và quy định tại Điều 90.

       Đây sẽ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ.

Bên cạnh đó, Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai tài chính, công khai minh bạch kết quả hoạt động của Quỹ.

Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập Quỹ là cần thiết. Kết quả hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế chính là minh chứng cho việc, nguồn Quỹ ra đời sẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay. “Nếu Quỹ được thành lập sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế để xã hội hóa tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản” - GS,TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết.

dsc_0019.jpg
Cần luật hóa Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa để thu hút nguồn lực đầu tư và đảm bảo minh bạch trong vấn đề quản lý. Ảnh: N.Lộc

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, khi cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản sửa đổi. Các đại biểu cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn có nhiều khó khăn, hạn hẹp thì việc thành lập Quỹ này là cần thiết.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu Quỹ được Luật hóa sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giúp giải quyết rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Từ đó, các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ kịp thời và dễ dàng hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều di tích đang xuống cấp và một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan tới Quỹ này để đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch, không bị trục lợi… Theo đó, cần có những quy định rõ về nguồn thu, nhiệm vụ chi, và xác định các nhiệm vụ của Quỹ thực sự cấp thiết trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Trong khi đó, các ý kiến cũng đề nghị, để Quỹ phát huy giá trị, cần phải có cách quản lý một cách khoa học, minh bạch, công khai, rõ ràng. Cụ thể, thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định của pháp luật. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của quỹ, báo cáo tình hình thực hiện Qũy theo quy định của pháp luật../.

N.LỘC