Tăng trưởng ngành thép chưa thực sự chắc chắn
Kinh tế - Ngày đăng : 11:53, 17/08/2024
Sản xuất thép tăng 21% so với cùng kỳ
Trong tháng 7/2024, sản xuất thép thô đạt 927.180 tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ tháng 7/2023.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,527 triệu tấn, tăng 2,59% so với tháng 6/2024 (sản xuất tất cả các mặt hàng thép đều ghi nhận mức tăng trưởng, ngoại trừ cuộn cán nóng HRC giảm 5,43%) và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023 (sản xuất các mặt hàng thép xây dựng và tôn mạ vẫn giữ được mức tăng trưởng lần lượt là 8,9 và 30,3%.
Các mặt hàng thép còn lại là thép cán nóng (HRC), cuộn cán nguội (CRC) và ống thép giảm lần lượt là 5,1%, 11,7% và 5,6%.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 2,464 triệu tấn, tăng 4,22% so với tháng 6/2024 (tăng đều ở tất cả các mặt hàng thép thành phẩm) và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ có sản lượng bán hàng HRC giảm 9,3% và ống thép giảm 4,8%). Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm các loại trong tháng 7/2024 đạt hơn 681 nghìn tấn, tăng 2,84% so với tháng trước nhưng giảm 3,1% so với cùng kỳ 2023.
Xuất khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cán nguội và tôn mạ tăng so với tháng 6/2024, còn HRC giảm 42,1% và ống thép giảm 5,8%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thô đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 12,41 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,58 triệu tấn, tăng 45% so với cùng kỳ 2023.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 16,959 triệu tấn, tăng 9,4%. Trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt cao nhất là 29,2%, thép xây dựng 14,6% và HRC là 2,9%. Sản xuất thép cuộn cán nguội và ống thép đều ghi nhận mức tăng trưởng âm là 14,9% và 1,1%.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 16,75 triệu tấn, tăng 14,3% so với 7 tháng 2023. Xuất khẩu thép thành phẩm 7 tháng đầu năm 2024 đạt 4,895 triệu tấn thép, tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng cuộn cán nguội CRC đạt cao nhất 40,6%, tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và thép xây dựng. Tuy nhiên, xuất khẩu ống thép giảm 1,2% và HRC giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ 2023.
Áp lực cung vượt cầu và sức ép từ thép nhập khẩu
Việt Nam hiện đang nhập khẩu số lượng thép lớn. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,283 triệu tấn thép, giảm 17,04% so với tháng 5/2024 nhưng tăng 34,03% so với cùng kỳ năm trước về lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 934 triệu USD, giảm 17,31% so với tháng trước nhưng tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2023.
VSA cũng cho hay, ngành xây dựng dự kiến đạt triển vọng tăng cao so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn tới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đến từ sức cạnh tranh còn yếu của toàn ngành, đặc biệt là thép nhập khẩu giá rẻ. Do vậy, xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu thực sự chắc chắn.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,225 triệu tấn với trị giá hơn 5,969 tỷ USD, tăng 47,88% về lượng và tăng 25,15% về giá trị so với cùng kỳ 2023.
Về xuất khẩu, tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 988 nghìn tấn thép, giảm 11,61% so với tháng 5/2024 và giảm 1,83% so với cùng kỳ năm trước về lượng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 738 triệu USD, giảm 7,41% so với tháng trước và giảm 9,29% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,493 triệu tấn thép, tăng 20,55% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 4,777 tỷ USD, tăng 12,23% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công Thương dự báo, sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép trong nước còn gặp nhiều khó khăn do sức ép từ thép Trung Quốc và tình trạng cung vượt cầu.
Tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng... cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép./.