Tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 08:56, 17/04/2024

(BKTO) - Chiều ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
boyte_20240417075527am.png
Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: moh.gov.vn

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: BHYT là một chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, chính sách BHYT đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong việc lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, tạo nguồn tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; tiếp cận tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đến nay công tác BHYT đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi…

Tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2009 là 58% dân số, tới năm 2023, tỷ lệ bao phủ đạt 93,35% dân số, tương ứng với 93,307 triệu người tham gia BHYT. Số lượt người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Tính tới 31/12/2023, có 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật BHYT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 đã có một số quy định của Luật không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, một số nội dung mới phát sinh trong trong thực tiễn triển khai. Đặc biệt, những thay đổi trong các quy định về khám bệnh, chữa bệnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua năm 2023, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang trình Quốc hội đòi hỏi cần phải tổng kết, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để phù hợp với các quy định mới của hệ thống pháp luật và thực tiễn.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao; cập nhật, pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BHYT có liên quan tới việc thay đổi các quy định về tiền lương theo theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 để có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.

Thông tin tại Hội thảo, ThS.Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật BHYT sửa đổi:

Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan;

Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn;

Thứ ba, điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh BHYT;

Thứ tư, phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả. Theo đó, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý Quỹ BHYT; phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh chữa bệnh BHYT.

Theo bà Trang, mục tiêu của việc sửa đổi chính sách BHYT lần này còn nhằm bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ BHYT; đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới BHYT.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung liên quan: Các chính sách cơ bản trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT và Kế hoạch xây dựng và trình Dự thảo Luật; giới thiệu về chính sách BHYT bổ sung trong Dự thảo Luật BHYT; đánh giá tác động một số giải pháp chính sách trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật BHYT; đề xuất chính sách chi trả cho sàng lọc ung thư cổ tử cung.../.

Đ. KHOA