Đẩy mạnh tái thiết đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống
Địa phương - Ngày đăng : 11:24, 19/08/2024
Còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển đô thị
Theo định hướng phát triển tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, không gian khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng) và 1 phần phía Nam của quận Tây Hồ. Đây là khu vực tập trung các chức năng chính trị, hành chính của Quốc gia và TP. Hà Nội. Khu vực sẽ được tập trung cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất, để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử. Bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở công nghiệp, kho tàng, trường đại học, trụ sở Bộ, ngành.
Đồng thời, cải tạo các không gian ở hiện có, tái thiết các khu chung cư cũ. Phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích, di sản. Khu vực cũng được định hướng hạn chế phát triển nhà ở, các chung cư cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học…
Để triển khai Quy hoạch trên, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã xây dựng các quy hoạch phân khu trong đó có quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng ban hành các quy chế quản lý khu vực quan trọng như khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm, khu Hoàng thành Thăng Long, khu chính trị Ba Đình… Với nhiều định hướng phát triển và trên thực tế việc cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị của Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực.
Mặc dù vậy, bên cạnh những “điểm sáng”, theo các chuyên gia, những kết quả đạt được chưa được như mong đợi, khu vực này vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn trong phát triển.
Cụ thể, thiếu cơ chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản; sự gia tăng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông làm ô nhiễm môi trường; sử dụng đất chưa phù hợp với thực tiễn phát triển; hệ thống cây xanh, hồ điều hòa, công viên còn thiếu, làm giảm chất lượng cuộc sống; chưa di dời được các công sở, cơ sở y tế, giáo dục ra bên ngoài khu vực nội đô…
Đặc biệt, tại khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống bị đóng kín, chật chội. Các khu chung cư cũ xuống cấp nhưng chậm được cải tạo xây dựng lại vừa không đảm bảo chất lượng sống vừa làm giảm mỹ quan đô thị. Các khu nhà ở tại khu vực phố cổ, nhà ở cho thuê… người dân tự xây, sửa theo ý chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện môi trường sinh hoạt…
Tại Kết luận số 80-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu TP. Hà Nội cần quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực nội đô lịch sử trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển.
Tạo lập không gian đô thị hài hòa, bền vững
Để khắc phục những tồn tại trên, TS. Nguyễn Quang - Nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) cho rằng, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị của Thủ đô cần định hướng phát triển đô thị hài hòa, bền vững, ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cùng với cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn…
“Bản quy hoạch xây dựng cần phải xác định rõ ranh giới đô thị, vùng chuyển đổi và khu vực nông thôn. Điều này giúp hạn chế việc xây dựng đô thị tràn lan, sử dụng đất không hiệu quả, không gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa (việc làm, dịch vụ). Hơn nữa, cần xác định cụ thể những khu vực bảo tồn không phát triển, khu vực hạn chế phát triển, khu vực phát triển có điều kiện và khu vực khuyến khích phát triển” - ông Quang nói.
Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Quang, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc nâng cấp, tái thiết đô thị cần một cách tiếp cận hệ thống, gắn với nhu cầu ưu tiên và tiềm năng phát triển của cộng đồng đô thị. Hà Nội là Thành phố di sản quan trọng, vì vậy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc của đô thị, đóng góp nâng cao chất lượng sống, kinh tế đô thị. Chương trình nâng cấp cần cách tiếp cận đa mục tiêu, nâng cấp nhà ở, hạ tầng gắn với tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Chia sẻ thêm, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, để Thủ đô Hà Nội đạt được tầm nhìn, ý tưởng chung về một cảnh quan đô thị với mong muốn kết hợp cả bảo tồn, phát triển trên toàn Thành phố, đặc biệt là ở các khu vực đô thị hóa nhanh chóng, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 đã nghiên cứu, đề xuất các chiến lược thiết kế đô thị theo nguyên tắc liên tục, hài hòa, bền vững, giá trị nhân văn, xu thế toàn cầu.
Về giải pháp quy hoạch cụ thể, đồ án đưa ra đối với khu vực phát triển đô thị sẽ tập trung phát triển các dự án đô thị mới hiện đại gắn với các trung tâm thương mại dịch vụ mới cấp quốc gia và Thành phố, không gian văn hóa lịch sử quốc gia, giao thông hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường; tổ chức mô hình TOD theo các trung tâm tập trung kết nối các loại hình giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng.
Vùng nội đô lịch sử, hạn chế phát triển cao tầng, khuyến kích phát triển mật độ thấp, tăng cường không gian mở. Đối với khu vực đô thị hóa, nghiên cứu chuyển đổi và tái điều chỉnh đất phù hợp ưu tiên cho hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Các vùng phát triển mới, khuyến khích phát triển cao tầng, dành quỹ đất trống xây dựng không gian công cộng, cây xanh. Đặc biệt, nghiêm cấm phát triển đô thị lan tỏa trên các tuyến hành lang giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh; nghiêm cấm phát triển đô thị (không gian ở mới) bên ngoài ranh giới phát triển đô thị, trong vành đai xanh và các nêm xanh./.