Đề xuất tăng số lần được nghỉ khám thai cho lao động nữ

Xã hội - Ngày đăng : 20:54, 27/05/2024

(BKTO) - Thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định trong thời gian mang thai lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần là không đủ; đề nghị cân nhắc lại quy định này trong Dự thảo Luật để bảo đảm linh hoạt, phù hợp.
202405270831553314_z5479512495051_2cfebfff42974b2f67bfeb229104f348.jpg
Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, qua tiếp xúc cử tri và công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, nhiều lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Tuy nhiên theo quy định hiện hành và Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Theo đại biểu, trên thực tế lao động nữ mang thai được chỉ định khám thai định kỳ để theo dõi, đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình mang thai. Tùy theo sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi thì bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định trong việc khám thai, có khi là 30 ngày khám 1 lần hoặc ngắn hơn.

202405270928150498_z5479670112331_40ed9b22bf6a967d431fb1535f226121.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Để có một sự linh hoạt và đảm bảo hơn cho phụ nữ mang thai có điều kiện để đi khám thai trong thai kỳ của mình, tôi đề nghị quy định có thêm sự lựa chọn, một là có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc quy định tối đa 10 ngày trong suốt thai kỳ để có thể đi khám thai định kỳ” - đại biểu Yến Nhi đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa) cũng chỉ ra, thực tế hiện nay khi lao động nữ đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám thai lại sau 30 ngày hoặc có những trường hợp nữ lao động mắc bệnh lý thai kỳ phải đi khám thai nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi và người mẹ trong suốt quá trình mang thai, tôi đề nghị sửa đổi mức nghỉ lên đến tối đa 9 ngày.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, Điều 53, đối với việc khám thai, nên chia ra thành 2 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý. Đối với thai bệnh lý, đại biểu cho rằng nên để bác sỹ điều trị quyết định số ngày khám.

202405270928149405_z5479605498416_6390a4c3f97f0900821daa38eb8f2c12.jpg
Đại biểuQuốc hội Nguyễn Tri Thức phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, qua quá trình tiếp xúc cử tri, đa phần công nhân lao động đều đề nghị tăng số lần nghỉ khám thai. Theo đại biểu, quy định về vấn đề này cần căn cứ vào những yêu cầu về chăm sóc và thăm khám sức khỏe thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, theo khuyến cáo thông thường, trong thai kỳ người phụ nữ cần đi khám thai ít nhất là 8 lần vào mốc thời gian nhất định.

Vì vậy, đại biểu đề nghị với nội dung này cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia quy định về số lần được nghỉ khám thai của lao động nữ và cần phải đảm bảo ít nhất số lần tối thiểu phải khám thai theo khuyến cáo của y tế. Điều này vừa mang tính nhân văn và vừa đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của cử tri.

Đ. KHOA