Kinh tế Australia thiệt hại 6,7 tỷ USD do tình trạng 'COVID kéo dài'

Kinh tế - Ngày đăng : 13:10, 20/08/2024

(BKTO) - Australia đang đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do tình trạng "COVID kéo dài." Với 100 triệu giờ lao động bị mất và thiệt hại kinh tế lên tới 6,7 tỷ USD, nhóm tuổi lao động từ 30-49 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nghiên cứu mới đây kêu gọi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách đưa ra biện pháp đa dạng và kịp thời để đối phó với tác động lâu dài của đại dịch.
uc.jpg
Tình trạng “COVID kéo dài” đã gây thiệt hại 6,7 tỷ USD cho Australia - Ảnh minh hoạ

Mất khoảng 100 triệu giờ lao động 

Một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Y khoa của Australia, cho thấy tình trạng “COVID kéo dài” đã gây thiệt hại 10 tỷ AUD (6,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này.

Cụ thể, dựa trên các thống kê về số ca mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, nghiên cứu cho thấy trong tháng 9/2022, khoảng 1,3 triệu người Australia phải sống chung với tình trạng “COVID kéo dài,” trong đó có khoảng 55.000 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống.

Các nhà nghiên cứu cũng đã theo dõi dữ liệu giám sát nước thải từ hơn 5.000 người trưởng thành đang đi làm - những người có triệu chứng từ 3-12 tháng hoặc lâu hơn và phát triển một mô hình toán học để xác định số lượng triệu chứng COVID-19 đang diễn ra, đồng thời tính toán số giờ mà người dân Australia không thể làm việc hoặc bị buộc phải giảm giờ làm do các triệu chứng “COVID kéo dài” trong 12 tháng sau khi họ mắc bệnh.

Giáo sư Quentin Grafton thuộc Đại học Quốc gia Australia, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết Australia đã mất khoảng 100 triệu giờ lao động do “COVID kéo dài” và người lao động từ 30-49 tuổi chiếm hơn 50% tổng số giờ lao động bị mất. Theo ông Grafton, điều này đã gây thiệt hại lớn cho toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, theo giáo sư Raina MacIntyre của Đại học New South Wales - người chuyên nghiên cứu về dịch bệnh và là trưởng nhóm nghiên cứu, ngay cả khi chỉ có 2% số người mắc “COVID kéo dài” thì đó vẫn là gánh nặng lớn về sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Các nhà nghiên cứu ước tính vào tháng 12/2024, có khả năng khoảng từ 173.000 đến 873.000 người Australia sẽ vẫn phải sống chung với tình trạng “COVID kéo dài” sau lần mắc bệnh đầu tiên 1 năm. Con số này không bao gồm các trường hợp tái nhiễm.

Vì vậy, cả giáo sư Grafton và giáo sư Raina MacIntyre đều khuyến nghị chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và nơi sử dụng lao động hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề này và đã đến lúc phải đưa ra một chính sách đa dạng hơn để đẩy lùi những tác động lâu dài của COVID-19, chẳng hạn như khuyến khích nhiều người tiêm chủng hơn, cho phép tiếp cận rộng rãi hơn với thuốc kháng virus, thực hiện nghiêm túc các biện pháp như đảm bảo không khí trong nhà an toàn, sử dụng khẩu trang trong bệnh viện, các khu vực lâm sàng, nơi công cộng...

Giáo sư MacIntrye cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách tốt hơn về tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em vì hiện tại, trẻ em Australia dưới 5 tuổi không được khuyến khích tiêm chủng, ngoại trừ những trẻ mắc các bệnh lý nền làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.

 Ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất trong nhiều năm tới

australia.jpg
COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 9 tại Australia trong năm 2023 - Ảnh minh họa

Giới chuyên gia Australia đánh giá COVID-19 sẽ còn gây ảnh hưởng tới thể chất của người dân nước này trong nhiều năm tới, khi các kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy căn bệnh này đang tỷ lệ tử vong vượt dự báo cao hơn mức trung bình ở Australia.

Theo Viện Thống kê Bảo hiểm Australia, số trường hợp tử vong trong năm 2023 đã tăng 5% so với mức dự kiến, tương đương 8.400 ca tử vong.

Giới chuyên gia đã tính toán số ca tử vong do hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của COVID-19 và kết luận rằng tỷ lệ tử vong vượt dự báo vẫn cao hơn so với trước khi đại dịch bùng phát.

Trong năm 2023, Australia ghi nhận khoảng 4.600 ca tử vong được cho là trực tiếp do COVID-19. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 9 tại nước này hồi năm ngoái.

Số ca tử vong vượt dự tính không phải do COVID-19 "đặc biệt rõ ràng" ở những người Australia trên 75 tuổi. Họ vốn là những người từng mắc COVID-19 hoặc việc chăm sóc y tế bị gián đoạn do COVID-19, qua đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và chứng mất trí nhớ.

Sự chậm trễ trong việc chăm sóc y tế thường kỳ hoặc cấp cứu hay mắc bệnh COVID-19 mà không được chẩn đoán được coi là những lý do có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng công nhận rằng tỷ lệ tử vong vượt dự báo tại Australia trong năm 2023 thấp hơn so với năm 2022.

Ngoài ra, tỷ lệ này tại Australia cũng thấp hơn mức trung bình toàn cầu, đặc biệt khi so với các nước có tỷ lệ tử vọng không rõ nguyên nhân cao nhất như Ecuador, Mexico hay Nga.

Người phát ngôn của Viện Thống kê Bảo hiểm Australia Karen Cutter cho biết: "Các đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay đã dẫn đến ít ca tử vong hơn so với đợt trước. Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng COVID-19 có khả năng gây ra các ca tử vong vượt dự tính trong nhiều năm tới, có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong hoặc là yếu tố góp phần gây ra các nguyên nhân khác như bệnh tim."

Theo bà Cutter, mức tử vong ở giai đoạn bình thường mới tại Australia có thể cao hơn so với khi không xảy ra đại dịch COVID-19.

Nam Sơn