Tránh áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểu “giật cục”, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 18:35, 20/08/2024
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn
Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Dự thảo Luật gồm 4 điều; các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Đó là, đảm bảo thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp; hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật, điều ước quốc tế trong quản lý, sử dụng và khai thác tiêu chuẩn; tăng cường phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa cơ quan trung ương và địa phương; đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự án Luật.
Về xây dựng, thẩm định, công bố và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định nhằm khắc phục một số bất cập trong xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi một số nội dung sau: bổ sung quy định về quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; quy định rõ ràng hơn về sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; bổ sung quy định tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm để các tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; cân nhắc việc quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc gia tại khoản 4 nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
Về xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy định mới sửa đổi, bổ sung đã cơ bản “bù đắp” được những khoảng trống trong quản lý của Luật hiện hành. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong tổ chức thẩm định Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) để bảo đảm tính khách quan; trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc rà soát ban hành, sửa đổi QCVN; làm rõ căn cứ, điều kiện để xây dựng, ban hành QCVN, rà soát, hủy bỏ QCVN, tránh tình trạng tùy tiện, lạm dụng.
Tránh xây dựng tiêu chuẩn không phù hợp, gây lãng phí, tốn kém
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, tham gia hội nhập vào các thị trường, hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, trong quá trình theo dõi, các doanh nghiệp phản ánh, quy chuẩn kỹ thuật của chúng ta “đâu đó vẫn còn có những nội dung quy định thiếu thống nhất và cách hiểu nội dung chưa rõ ràng, dẫn đến quá trình triển khai tổ chức thực hiện có vướng mắc nhất định”, như quy chuẩn về an toàn về cháy của các công trình hay quy chuẩn điều kiện, đầu tư kinh doanh về thương mại.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh quá trình điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn có nội dung điều chỉnh quá nhanh, không có lộ trình để thực hiện hoặc không có quy định chuyển tiếp. Điều này khiến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp.
“Rõ ràng chúng ta cần phải sửa đổi để có những quy định tránh những bất cập, vướng mắc đã được phát hiện ra như quy định chưa rõ ràng, quy định “giật cục”, tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiện nay, chúng ta đã tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế. Khi hội nhập như vậy, các sản phẩm hàng hóa của chúng ta đưa vào các thị trường quốc tế phải tuân thủ theo yêu cầu của thị trường, phải có xuất xứ hàng hoá rõ ràng, phải theo tiêu chuẩn.
Do đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị, trong sửa đổi Luật lần này, phải cân nhắc khả năng tận dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước khác trong các hiệp định thương mại tự do để tránh việc phải xây dựng bộ tiêu chuẩn của chúng ta nhưng lại không phù hợp với các tiêu chuẩn của các nước, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
“Ví dụ như hàng hoá của chúng ta vào thị trường Mỹ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, vào thị trường EU phải theo tiêu chuẩn EU. Vấn đề này cần phải khắc phục, tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn không phù hợp, thậm chí còn gây lãng phí, tốn kém cho cộng đồng doanh nghiệp” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Ông Thanh cũng đánh giá, việc Dự thảo Luật quy định cho các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn là rất đúng, vì đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của những tiêu chuẩn, quy chuẩn này. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có tiêu chí, điều kiện, quy định trách nhiệm cũng như hình thức các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo ông Cường, thực tiễn, có những bất cập hoặc có những quy trình, thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có những bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn có quy định cao hơn thực tiễn. "Như vậy thì trách nhiệm thế nào? - ông Bùi Văn Cường nói và đề nghị nghiên cứu thêm để quy định cho đầy đủ.