Mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Chính trị - Ngày đăng : 05:41, 22/08/2024

(BKTO) - Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (từ ngày 18-20/8/2024) là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước trong thời gian dài tiếp theo.
2b.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên sau khi đảm nhiệm cương vị mới, thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước trong thời gian qua và thời gian tới.

Ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc tốt đẹp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, tuy chuyến thăm chỉ diễn ra trong hơn 2 ngày, nhưng Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đã có 18 hoạt động quan trọng.

Trong đó, Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hội đàm cấp cao, chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác; hội kiến với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt gồm: Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hộ Ninh; gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Bắc Kinh và cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc.

Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đều khẳng định sự coi trọng quan hệ lẫn nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc khẳng định coi Việt Nam là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Hai bên coi đây là lựa chọn chiến lược của mỗi bên. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đối thoại chiến lược cấp cao, xây dựng quan hệ giữa hai người đứng đầu hai Đảng, hai nước, giữa các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

2(6).jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã dành nhiều quan tâm và thời lượng để trao đổi về định hướng hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như: Ngoại giao, quốc phòng, công an; mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”; nhất trí đẩy nhanh xây dựng “kết nối cứng” về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc; tích cực nghiên cứu thí điểm cửa khẩu thông minh, thí điểm xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cũng như xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định; ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Cũng theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ngoài Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực, trong đó có hợp tác lý luận, đào tạo giữa hai Đảng, giao thông, ngân hàng, giáo dục, y tế, thương mại, các nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, báo chí tuyên truyền. Các văn kiện ký kết phản ánh sinh động hai bên quyết tâm thúc đẩy “hợp tác thực chất sâu sắc hơn".

Quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc phát triển vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực

Sau hơn 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/01/1950 - 18/01/2024), quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Thời gian qua, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển với những kết quả tích cực. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai. Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm (2008-2023) hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương. Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc. Kể từ năm 2008 đến nay, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện. Quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; phát triển ngày càng thực chất, vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Qua chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân (năm 2023), hai bên tăng cường tình cảm, sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, góp phần tích cực vào việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” (tháng 12/2023), quan hệ Việt - Trung tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực.

Về chính trị, tin cậy chính trị được củng cố, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra hết sức mật thiết. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giáo dục có nhiều khởi sắc. Thương mại 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24,1%. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới; lượng du khách Trung Quốc 6 tháng đầu năm đã vượt tổng số năm 2023. Hợp tác về giáo dục cũng tăng mạnh. Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Hai bên cũng đang thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác mới về hạ tầng, tiện lợi hóa thương mại.

Năm 2024 đánh dấu 25 năm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Việc ký kết Hiệp ước đã giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới trên đất liền hai nước về mặt pháp luật, thể hiện ý chí và quyết tâm kiên định mà hai bên nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Sự kiện này trở thành một hình mẫu thành công mà hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết vấn đề biên giới, tăng cường mạnh mẽ niềm tin của hai bên về đối thoại, giải quyết tốt bất đồng đối với vấn đề biên giới và trên biển khác. Hai bên đã thực hiện tốt Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, nhân dân ở biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, sống chung hài hòa, gắn bó như anh em một nhà. Khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã trở thành khu vực biên giới hòa bình, ổn định, giao lưu thương mại, đi lại sôi nổi.

Cùng với đó, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.../.

LÊ HÒA