Chưa phản ánh đầy đủ thực trạng nghèo tại Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 20:30, 21/08/2024

(BKTO) - Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2022-2025) của Việt Nam còn 3,2%, giảm 1% so với cuối năm 2022. Đối chiếu với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cụ thể là mục tiêu số 1 - Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi - thì tỷ lệ của Việt Nam đạt mục tiêu duy trì mức giảm 1-1,5% hàng năm.
ngheo-2.jpg
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2022-2025) của Việt Nam còn 3,2%. Ảnh minh họa

Cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,9%

Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ lệ nghèo đa chiều còn có sự phân hóa lớn giữa các vùng kinh tế - xã hội. Minh chứng là tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (18,2%) và Tây Nguyên (12,46%) và thấp nhất ở Đông Nam bộ (0,23%).

Dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm đạt mục tiêu theo lộ trình đề ra. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh đầy đủ thực trạng nghèo tại Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam đạt được kết quả giảm nghèo cao nhưng chưa bền vững, hộ nghèo dễ rơi vào tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới do các nguyên nhân khách quan, chủ quan như thiên tai, địch họa, biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế - xã hội...

Đó là chưa tính đến sự thay đổi của tiêu chí thu nhập do các yếu tố lạm phát, mức sống trung bình của xã hội; cũng như chưa có đánh giá đầy đủ tác động của các tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, để góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, các hệ thống và biện pháp an sinh xã hội của Việt Nam, bao gồm cả các chính sách sàn an sinh xã hội tiếp tục triển khai trên toàn quốc.

Trong đó, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII năm 2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới nêu rõ: đổi cách tiếp cận từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Ước thực hiện chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHXH, BHTN, BHYT) đều đạt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP".

Trên thực tế, việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT luôn được Ngành BHXH Việt Nam quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động; đảm bảo 100% người dân khi gặp khó khăn đều được hỗ trợ, trợ cấp kịp thời.

Số liệu thống kê cho thấy, số người tham gia BHXH năm 2023 ước khoảng 18.418 nghìn người tăng 5,23% so với năm 2022, đạt tỷ lệ 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023). Số người tham gia BHTN ước khoảng 14,791 nghìn người, tăng 3,21% so với năm 2022, đạt tỷ lệ 31,58% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ- CP). Số người tham gia BHYT ước khoảng 93.628 nghìn người, tăng 2,8% so với năm 2022, đạt tỷ lệ 93,35% so với dân số (vượt 0,15% so với chi tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 68/2023/QH15 và tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Phòng ngừa nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo mới

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh kết quả đạt được thì tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT có xu hướng tăng trưởng chậm, số người tham gia BHXH tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng.

ngheo(2).jpg
Cần phòng ngừa nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo mới. Ảnh minh họa

Thực tế đáng quan ngại hơn khi nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài; ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Cùng với đó là tình trạng chi vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh...

Về trợ cấp xã hội, tính đến cuối năm 2023, cả nước đang trợ cấp hàng tháng cho 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,35% dân số, trong đó có 1,417 triệu người cao tuổi; 1,612 triệu người khuyết tật; 21 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 146 nghìn trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi; 84 nghìn người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi; 76 nghìn đối tượng khác) và 349 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.

Đồng thời, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu. Như vậy, việc trợ cấp xã hội hàng tháng và hỗ trợ xã hội đột xuất dự kiến đạt lộ trình đã đề ra vào năm 2025 và 2030.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho 25 tỉnh thực hiện 47 dự án bố trí dân cư thiên tai cấp bách và ổn định dân di cư tự do. Trong năm qua, cả nước cũng đã thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 6 nghìn hộ vùng có nguy cơ cao về thiên tai (lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...), góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Có thể thấy, thời gian qua, các hệ thống và biện pháp an sinh xã hội, bao gồm cả các chính sách sàn an sinh xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả trên toàn quốc. Việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT luôn được quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 3,2%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022).

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ rõ, kết quả giảm nghèo cao nhưng chưa bền vững, hộ nghèo dễ rơi vào tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới; tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT có xu hướng tăng trưởng chậm. Do đó, ưu tiên trong thời gian tới cần tiếp tục dành cho việc nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030./.

QUỲNH ANH