Cải cách tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:15, 06/12/2018

(BKTO) - Ngày 05/12, Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển (VRDF) với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, diện mạo kinh tế Việt Nam đã thay đổi sau 30 năm đổi mới. Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018- 2020…
                
   

Quang cảnh Diễn đàn

   
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tận dụng triệt các cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một mặt, chúng ta phải phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại. Mặt khác, phải dự báo và ứng phó, giảm thiểu những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả bởi thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển. Hơn nữa, khi Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, những thách thức phát triển sẽ ngày càng phức tạp và mang tính đa ngành hơn nữa. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành cũng như giữa các cơ quan trung ương và địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Ousmane Dione đã công bố ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam. Đây là tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”.
                
   

Ra mắt ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam

   
Trong lời tựa của ấn phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viết: Khung chính sách kinh tế Việt Nam gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và mọi người dân Việt Nam một thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, động viên các nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững. Theo ấn phẩm này, mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2035, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, với GDP bình quân 10.000 USD…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: “Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh”, “Động lực tăng trưởng mới: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0” và “Phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, trong đó nhấn mạnh bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và đề xuất những hành động Việt Nam cần làm để vượt qua thách thức, vươn tới khát vọng. Các đại biểu cũng phân tích về những rào cản, khoảng cách công nghệ của nền sản xuất Việt Nam so với trình độ công nghệ 4.0; những chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đã đạt mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn

   
Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược phục vụ cho yêu cầu phát triển. Thứ nhất là về vấn đề thể chế. Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách.

Thứ hai là về chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững, bởi CMCN 4.0 sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu vắng con người 4.0.

Thứ ba là về cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới. Một là, thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0. Hai là, thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân.

HỒNG THOAN