Củng cố động lực tăng trưởng từ thực thi các hiệp định thương mại tự do

Kinh tế - Ngày đăng : 14:57, 22/08/2024

(BKTO) - Trong thời gian qua, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều lợi ích tiềm tàng chưa được hiện thực hóa. Do đó, cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả, tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA để củng cố động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
11.jpg
Các FTA thúc đẩy gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa

Thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương - cho biết, gần 30 năm kể từ khi Việt Nam ký kết và thực thi FTA đầu tiên với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 FTA song phương và đa phương, độ phủ rộng khắp hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Theo đó, việc tham gia các FTA đã góp phần giúp năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cơ hội để tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Biểu hiện là, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã mở rộng trên cả hai góc độ theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa kinh tế. Hàng hóa của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, trước đây, 60% hàng hóa nước ta xuất khẩu sang các thị trường khu vực châu Á và Đông Bắc Á; tuy nhiên, nhờ có các FTA, xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển hướng tăng mạnh sang khu vực châu Mỹ và châu Âu. Cùng với đó, quy mô xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng tích cực. Hơn 10 năm trước đây (năm 2012), Việt Nam chỉ có khoảng 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến năm 2023 đã có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 10 tỷ USD…

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Từ góc độ ngành hàng, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, việc thực thi các FTA, trong đó có FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU - EVFTA) đã giúp ngành cà phê gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại thị trường EU. Theo đó, hiện nay thị trường EU chiếm khoảng gần 40% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của toàn Ngành và Việt Nam hiện đứng thứ hai trong danh sách các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU (chỉ sau Brazil).

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, chia sẻ về kết quả sau 4 năm thực thi EVFTA, ông Dominik Meichle - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam - cho biết, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ mức 35 tỷ Euro vào năm 2019 (năm trước khi có Hiệp định) lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Đồng thời, EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu, với việc khối EU đã rót 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án; đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu Euro đầu tư vào các dự án tại thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 1-9/2023, đi ngược lại xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm trên toàn cầu.

Đẩy mạnh tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do

Theo các chuyên gia, xuất khẩu hiện vẫn là một trong 3 động lực truyền thống quan trọng (cùng với đầu tư và tiêu dùng) luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế. Theo đó, để gia tăng xuất khẩu, việc tận dụng hiệu quả, tối đa những lợi ích từ các FTA cần được chú trọng hơn nữa, bởi trên thực tế, bên cạnh những kết quả tích cực đã thu được thì cũng còn nhiều cơ hội kỳ vọng từ các FTA chưa được hiện thực hóa. Chẳng hạn như, nhiều ngành hàng xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh… dù tăng trưởng tích cực, nhưng tỷ trọng còn tương đối khiêm tốn. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA cũng chưa đạt được như kỳ vọng, khi tỷ lệ này hiện mới ở mức khoảng hơn 30% và có mức độ không đồng đều đối với từng hiệp định, nhiều hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan khá thấp. Đơn cử, năm 2023, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan đối với CPTPP là 6,3%, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là 1,26%, EVFTA là 35,2%...

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Dominik Meichle cũng cho biết một số trở ngại mà các DN châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa EVFTA, bao gồm: Yêu cầu pháp lý phức tạp, nhiều chính quyền địa phương không công nhận các tiêu chuẩn quốc tế; các bên liên quan không hiểu rõ thỏa thuận, cùng với các vấn đề về định giá hải quan và thủ tục thông quan chưa thực sự minh bạch đã làm phức tạp hóa hoạt động thương mại; các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm...

Trước thực trạng đó, để tận dụng tối đa cơ hội, lợi ích từ các FTA, các chuyên gia cho rằng, về phía DN, các DN cần tìm hiểu sâu về các cam kết trong các FTA, đồng thời cần thường xuyên cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của các nước đối tác; nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các nước, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội mà các FTA mang lại.

Về phía Nhà nước, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA; cũng như tăng cường cập nhật, cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu và biến động chính sách tại thị trường các nước tham gia các FTA với Việt Nam, để DN kịp thời nắm bắt, khai thác. Cùng với đó là chú trọng công tác cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hỗ trợ DN ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA, nhất là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh việc cấp chứng nhận xuất xứ điện tử và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ… để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của DN, qua đó góp phần củng cố vững chắc động lực tăng trưởng của nền kinh tế./.

THIỆN TRẦN