Hưng Yên nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Địa phương - Ngày đăng : 14:58, 22/08/2024

(BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
21.8-hung-yen(1).jpg
Ảnh minh họa: ST

7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,81%. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 11,13%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ: Công nghiệp, xây dựng chiếm 64,13%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,05%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,82%.

Tổng thu ngân sách đến nay đạt hơn 22.000 tỷ đồng, bằng 67,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Chỉ số cải cách hành chính có sự thay đổi lớn; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo và phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại của tỉnh tiếp tục được mở rộng...

Trong những năm gần đây, Hưng Yên liên tục trở thành "điểm sáng" trong nền kinh tế quốc dân. Với những chính sách đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2022, tỉnh Hưng Yên đã bứt phá vươn lên, “thăng hạng” 25 bậc, lần đầu tiên lọt Top 14 trong Bảng xếp hạn Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Năm 2023, tiếp đà tăng trưởng kinh tế và sự đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hưng Yên tăng 2 bậc, vươn lên vị trí số 12/63 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI.

Đây là những minh chứng cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Hưng Yên ngày càng được cải thiện theo thời gian. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức giảm, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn và cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực.

Với mục tiêu phấn đấu lọt top 10 PCI, ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, cần phải tiếp tục cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, đào tạo nhân lực, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và gia nhập thị trường.

"Khi doanh nghiệp về địa phương phải được hỗ trợ pháp lý, chi phí không chính thức không có, đi đôi với đó cần có tính minh bạch cao, thời gian gia nhập thị trường ngắn nhất... Cả 10 chỉ số thành phần được cải thiện Hưng Yên mới có thể lọt top 10 toàn quốc" - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh.

Năm 2027, khi đường Vành đai 4 được hoàn thành đảm bảo tiến độ và đưa vào khai thác sẽ đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây sẽ là một trong những yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

M. THÚY