Hội thảo khoa học Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:10, 06/12/2018
(BKTO)- Ngày 6/12, tại trụ sở cơ quan, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ "Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra". Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Các Đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: THANH TÙNG
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện hạn chế trong công tác quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên và hiện trạng vấn đề môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là những bất cập về chính sách, về việc quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên cũng như việc kiểm soát ô nhiễm môi trường và vai trò của KTNN.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: THANH TÙNG
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng: Đất đai, tài nguyên khoáng sản là những nguồn lực vô cùng quý giá của quốc gia, nếu khai thác quản lý và sử dụng nguồn lực này hiệu quả sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước. Thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách nhà nước, đóng góp và sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạnghoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường có một số hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực của đất nước, gây bức xúc trong xã hội.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Về quản lý đất đai, những hạn chế đã được nêu tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng đến nay vẫn hiện hữu.Công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế- xã hội- môi trường; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng tiêu cực thất thu NSNN trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn...
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép xảy ra khá công khai nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chưa có biện pháp xử lý quyết liệt và triệt để. Việc cấp phép thăm dò, khai thác ngoài vùng quy hoạch, sai thẩm quyền, khai thác vượt công suất theo giấy phép, không lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường, không có thiết kế mỏ, không nộp tiền thuê đất và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản thô làm cạn kiệt tài nguyên tương lai, lãng phí nguồn lực và chảy máu khoáng sản.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến lợi ích của người dân và xã hội như sự cố môi trường Formusa, DAP2 Lào Cai. Sự thiếu phối hợp chặt chẽ và kịp thời trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý đất đai, môi trường và khai thác, kinh doanh khoáng sản giữa các cơ quan có thẩm quyền cần phải được tăng cường...
Ảnh: THANH TÙNG
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: KTNN đã và đang thực hiện một số cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai, tài nguyên khoáng sản và kiểm toán môi trường. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, kiến nghị về quản lý, tuân thủ quy định, KTNN đã có kiến nghị thay đổi, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, công tác kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa thường xuyên, số lượng ít, việc kiểm toán mới dừng lại ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường hay đánh giá, kiến nghị sâu để thay đổi cơ chế, chính sách.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường, KTNN tổ chức Hội thảo này nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện việc quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát, lãng phí. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý; Quốc hội, HĐND các cấp giám sát tốt việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản cũng như kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường nhằm phát triển bền vững.
Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận 5 vấn đề:Một là, xác định rõ vai trò của KTNN đối với việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Hai là, đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân từ góc nhìn pháp luật, chính sách và quản lý tổ chức thực hiện; tác động qua lại và những vấn đề đặt ra trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua kết quả kiểm toán; phân tích hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Ba là, đánh giá công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường của KTNN, nhận diện những mặt đã làm được, những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp để khắc phục.
Bốn là, đề xuất các giải pháp để đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường đảm bảo hoạt động kiểm toán đạt hiệu quả tốt nhất, tránh thất thoát tiền và tài sản nhà nước.
Năm là, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường từ góc độ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sach cũng như từ góc độ quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh- Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trườngphát biểu tại Hội thảo - Ảnh: THANH TÙNG
+ Ngay sau khi khai mạc, các đại biểu đã nghemột số bài tham luận được trình bày tại Hội thảo như: Nhận diện sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và giải pháp ngăn chặn của TS. Vũ Đình Ánh; Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường, kết quả và những vấn đề đặt ra của PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh- Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Thách thức trong quản lý nhà nước về đất đai đai, khoáng sản và môi trường của PGS,TS. Lê Huy Trọng- Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V; Hoàn thiện phương pháp xác định giá định giá đất nhằm chống thất thoát NSNN của PGS,TS. Lê Xuân Trường- Trưởng khoa Thuế- Hải quan (Học viện Tài chính)…
THÙY ANH