Bảo đảm sự độc lập về kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn

Pháp luật - Ngày đăng : 08:00, 25/08/2024

(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật cần có quy định phù hợp hơn để đảm bảo độc lập về tài chính của tổ chức công đoàn, cũng như bảo đảm người lao động là cán bộ công đoàn vừa tham gia hoạt động sản xuất tại đơn vị, vừa tham gia hoạt động công đoàn.
202406180945239802_img_9690.jpeg
Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Cân nhắc quy định về thời gian hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn

Theo Tờ trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật là việc sửa đổi quy định về bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách theo hướng: Quy định cụ thể cách xác định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn.

“Quy định này nhằm đảm bảo tuân theo cách tiếp cận mới của Bộ luật Lao động 2019, không suy giảm quá lớn so với quy định hiện hành, đảm bảo cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Quan tâm vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, theo Luật Công đoàn năm 2012, cán bộ Công đoàn chuyên trách ở các Công đoàn cơ sở có thời gian tối đa cho hoạt động công đoàn là 24 giờ/tháng.

Theo đại biểu, việc dành thời gian ở mức độ này rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi họ cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đặc biệt tại các doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu tán thành phương án bố trí thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động tại cơ sở căn cứ vào số lượng đoàn viên công đoàn của từng đơn vị.

050720241158-202406081256433809_dsc_7330.jpg
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Anh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) chỉ rõ, tại Điều 27 Dự thảo Luật quy định “tổng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách tối thiểu là 60 giờ làm việc trong 1 tháng đối với tổ chức công đoàn cơ sở có dưới 50 đoàn viên và tối thiểu là 100 giờ làm việc trong 1 tháng đối với công đoàn cơ sở có từ 50 đến dưới 100 đoàn viên”.

Đại biểu cho biết, qua tham khảo một số cơ quan, tổ chức công đoàn cơ sở trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian quy định như Dự thảo Luật là tương đối nhiều và có thể ảnh hưởng đến thời gian làm việc của người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Các tổ chức công đoàn cơ sở cho rằng đối với quy mô dưới 50 đoàn viên và dưới 100 đoàn viên, nhiệm vụ của cán bộ công đoàn trong 1 tháng tối thiểu từ 7,5 ngày đối với quy mô dưới 50 đoàn viên và tối thiểu là 12,5 ngày đối với quy mô công đoàn cơ sở dưới 100 đoàn viên. Thời gian như vậy hơi nhiều, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương

Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị xem xét lại quy định phù hợp hơn để cho người lao động là cán bộ công đoàn vừa tham gia hoạt động sản xuất tại đơn vị, vừa tham gia hoạt động công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cũng băn khoăn, Dự thảo luật quy định tổng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách được tính dựa trên tổng số đoàn viên tại công đoàn cơ sở. Tuy nhiên trong Dự thảo chưa quy định rõ đối với từng loại hình.

Chẳng hạn như cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc ngành giáo dục, trực thuộc ngành y tế hoặc các cán bộ công đoàn tại các công ty với số lượng đoàn viên từ 50 người trở lên thì việc quy định số lượng, thời gian làm việc như trong Dự thảo Luật là chưa hợp lý và sát với thực tế hiện nay, khi thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công việc chính của họ, nhất là đối với những cán bộ không chuyên trách ở các khu công nghiệp. Bởi vì, khi thực hiện nhiệm vụ của công đoàn phải được sự đồng thuận của người sử dụng lao động.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ hơn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại các công đoàn cơ sở thuộc ngành nghề cho phù hợp” - đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề xuất.

Bảo đảm nguyên tắc độc lập về tổ chức cán bộ và kinh phí

Đề cập đến quy định về điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động của công đoàn, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) đề nghị, để bảo đảm được vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn, cần bảo đảm nguyên tắc độc lập về tổ chức cán bộ và kinh phí.

202406180945240740_img_9709.jpeg
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận. Ảnh:VPQH

Tuy nhiên, trong thực tiễn cán bộ công đoàn chuyên trách có số lượng rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm do người sử dụng lao động bố trí, kinh phí hoạt động cũng rất ít nên hiệu quả hoạt động của công đoàn không đạt như mong muốn.

Khắc phục tình trạng trên, trong các quy định về điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động của công đoàn, Dự thảo Luật có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn. Tuy nhiên, thời lượng cụ thể dành cho các công tác của công đoàn còn thiếu thực tế và không khả thi. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung những quy định cho phù hợp, bảo đảm tổ chức công đoàn có vị thế, vai trò hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP. Hà Nội) thì đồng tình với đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách ở công đoàn cơ sở, nơi có đông người lao động.

“Đề nghị Luật quy định cụ thể doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên phải có ít nhất một cán bộ công đoàn chuyên trách, giao Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên” - đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Quan tâm đến chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) nêu thực tế, Luật Công đoàn hiện hành quy định: “Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên”.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, người trong Ban chấp hành công đoàn cơ sở đều là nhân viên của doanh nghiệp. Do đó, nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp muốn sa thải Chủ tịch Công đoàn cơ sở chỉ cần tổ chức lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở công ty. Ban chấp hành công đoàn cơ sở đa số là người của công ty nên đồng ý sa thải chính Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 28 của Dự thảo Luật theo hướng: “Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.

Ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Đ. KHOA