Rau quả Việt chinh phục thị trường, nghĩ về giấc mơ lớn
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 19:00, 26/08/2024
"Vựa" sầu riêng của thế giới tăng mua sầu riêng Việt Nam
Vượt qua Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan trở thành thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam sau 7 tháng đầu năm 2024. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Thái Lan đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua rau quả của Việt Nam, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trước đây, Thái Lan đứng thứ 6 sau Nhật Bản và Đài Loan thì giờ đây, quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ tư với kim ngạch 7 tháng đạt 123 triệu USD (3.064 tỷ đồng), tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan hiện là quốc gia tăng mua nông sản Việt mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm nhờ chất lượng vượt trội.
Đặc biệt, Thái Lan đã tăng đơn đặt hàng sầu riêng đông lạnh, dẫn đến sản lượng xuất khẩu tăng đột biến. Trong khi sầu riêng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thái Lan, với giá trị xuất khẩu ước tính hàng tỷ USD. Đây là sản phẩm có giá trị cao thứ 3 của nước này, sau lúa gạo và cao su.
Lý giải vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. “Năm nay, Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán do El Nino, khiến sản lượng sầu riêng giảm và trái cây không đạt kích cỡ. Vì vậy, Thái Lan đã tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam” - ông Nguyên thông tin.
7 tháng, xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài sầu riêng, các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan cũng nhập khẩu thanh long, nhãn và vải thiều từ Việt Nam để bán tại các hệ thống siêu thị. Sản lượng nhập khẩu của các công ty này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần vào sự tăng trưởng đột biến trong kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan.
Theo Bộ NNPTNT, trong những năm gần đây, thương mại rau quả giữa Việt Nam và Thái Lan đã có sự chuyển dịch đáng kể. Năm 2014, Thái Lan là nguồn cung rau quả số một cho Việt Nam và duy trì vị thế này đến năm 2019 với giá trị 464,2 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2023, Việt Nam chỉ nhập 46,5 triệu USD rau quả từ Thái Lan, giảm còn 1/10 so với năm 2019, đưa Thái Lan xuống vị trí thứ 9 trong số các nguồn cung cấp rau quả cho Việt Nam.
Không chỉ Thái Lan, rau quả Việt Nam tiếp tục là mặt hàng được đón nhận tại những thị trường lớn. Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục là thị trường số một, với kim ngạch đạt gần 2,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng 25% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ và Hàn Quốc xếp kế tiếp, với kim ngạch lần lượt là 189 triệu USD và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%.
Mỗi năm, sản lượng rau quả Việt Nam đạt khoảng 31 triệu tấn, thế nhưng tỷ lệ chế biến sâu chưa tới 20%. Qua đó cho thấy, dư địa để phát triển lĩnh vực này còn khá lớn.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường
Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Đặc biệt khi mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam và sầu riêng Tây Nguyên đang bước vào vụ khi Thái Lan đã hết mùa. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á.
“Trong bối cảnh bức tranh xuất khẩu còn nhiều khó khăn, xuất khẩu ngành rau quả tiếp tục tăng mạnh, nhiều mặt hàng tăng trưởng hai con số là tín hiệu rất tích cực” - lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.
Nỗ lực để chinh phục thị trường...
Nhìn nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường và triển vọng về mở rộng thị trường của rau quả Việt song Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn còn những thách thức khi chất lượng hàng rau quả còn chưa đồng đều, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Bên cạnh đó, rủi ro khi nội lực của ngành còn yếu vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp...
Để khắc phục những hạn chế này, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm khi thu hoạch.
Đồng thời, thực hiện tốt việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả và quản lý tốt mã số vùng trồng cũng là hoạt động cấp thiết nhằm duy trì chất lượng rau quả Việt Nam; làm tốt hơn nữa khâu ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam với nhiều thị trường khác nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đồng thời hạn chế rủi ro trong xuất khẩu.
Đặc biệt, để tiếp tục chinh phục thị trường, hướng đến mục tiêu xuất khẩu tỷ đô, theo Bộ NNPTNT, điều mấu chốt nhất vẫn là Việt Nam cần giữ chủng loại rau quả đa dạng, cộng với chất lượng rau quả được đảm bảo ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Ý thức rõ điều này, tại nhiều vùng sản xuất, nông dân đã chú ý nhiều hơn đến tiêu chuẩn chất lượng từng loại rau quả làm ra, gắn với yêu cầu của thị trường.
"Đơn cử như trước đây, trên một cây dưa lưới, người nông dân để nhiều quả, nhưng nay, người dân cắt tỉa, chỉ chừa lại một trái. Phải làm như vậy thì đến lúc thu hoạch, trái dưa lưới mới đạt chất lượng như mong muốn" - PGS,TS. Đặng Văn Đông (Viện Nghiên cứu rau quả) nói; đồng thời cho biết, bất cứ một công đoạn nào cũng được thực hiện theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Tất cả không ngoài mục đích để những trái dưa lưới làm ra đúng theo yêu cầu của thị trường.
Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được nhìn nhận sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Nhưng chừng đó là chưa đủ, doanh nghiệp, người trồng cũng cần phải chú trọng hơn đến khâu bảo quản sản phẩm.
Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp
Tuy nhiên, để chinh phục thị trường, những nỗ lực của người nông dân là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng. Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp với bà con nông dân theo chuỗi sản xuất là cách để khẳng định chất lượng các mặt hàng rau quả. Đây cũng là hướng đi đang được ngành nông nghiệp tập trung triển khai./.