Xác định rõ lộ trình, chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024
Địa phương - Ngày đăng : 14:10, 20/08/2024
Các sở, ngành khẩn trương vào cuộc
Lãnh đạo TP. Hà Nội xác định, để triển khai Luật Thủ đô năm 2024 nói riêng, các văn bản pháp luật nói chung, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định chi tiết là nhiệm vụ quyết định đến tính khả thi, hiệu quả khi thi hành Luật.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn đối với Thành phố. Luật giao ban hành văn bản để triển khai thực hiện 96 nhiệm vụ, trong đó có 74 nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 22 nhiệm vụ cần ban hành văn bản cá biệt.
Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, Thành phố đã chuẩn bị và đôn đốc các đơn vị, địa phương được giao thẩm quyền chủ động vào cuộc với tinh thần “từ sớm, từ xa”, từ trước khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu thông tin, để đôn đốc công tác phối hợp 53 nhiệm vụ trong Luật Thủ đô năm 2024, Sở đã thành lập Tổ công tác. Trong Kỳ họp thứ 17, HĐND Thành phố vừa qua, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu HĐND Thành phố bổ sung vào kế hoạch chi ngân sách kinh phí 10 tỷ đồng để triển khai nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Thủ đô 2024.
Xác định trong Luật Thủ đô có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến giáo dục - đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã xây dựng khoảng 10 văn bản liên quan đến nghị quyết, kế hoạch, thông tư để tham mưu với Chính phủ, Bộ và UBND Thành phố xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật.
Còn đối với phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) - một nội dung khó khăn để quy định chi tiết do đây là mô hình mới, nhiều nội dung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở sẽ tham mưu HĐND, UBND Thành phố sau khi Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được trình Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét nhằm bảo đảm đồng bộ các cơ chế, chính sách.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô trong thời gian tới, Sở đang tham mưu xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về Thủ đô cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn Thủ đô…
Triển khai chắc chắn, ưu tiên những nội dung cấp bách
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển. Do đó, các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải chủ động, khẩn trương triển khai để sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả. Trong bối cảnh việc nhiều, thời gian gấp, các đơn vị cần phải xác định rõ lộ trình, nỗ lực vào cuộc một cách kỹ càng và chắc chắn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố đề nghị các sở ngành cân nhắc, lựa chọn triển khai trước những nội dung có tính chất quan trọng, cấp bách. Việc xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô phải đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng chất lượng và yêu cầu tiến độ, phải sắp xếp, ưu tiên làm trước những nội dung có thể làm trước, làm ngay, có lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Thủ đô, tại Phiên họp của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP. Hà Nội ngày 14/8 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Lê Hồng Sơn yêu cầu đến hết tháng 8/2024 phải xây dựng xong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô 2024 một cách bài bản, hệ thống; làm sao toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong Luật để triển khai thực hiện hiệu quả nhất.
Trên cơ sở các quy định của Luật, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể, phù hợp với lĩnh vực phụ trách, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến quy định của Luật đến đúng đối tượng thực hiện, thụ hưởng.
“Từ tháng 9/2024 phải có sự chuyển động của toàn Thành phố trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024, chuẩn bị cho ngày 01/01/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Lê Hồng Sơn nhấn mạnh; đồng thời đề nghị, các đơn vị cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ báo cáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn Luật.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Luật Thủ đô 2024 bằng hình thức phù hợp; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển khai tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Cùng với đó là xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật./.