Chất lượng tài sản và nợ xấu vẫn là mối quan ngại của các ngân hàng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 17:15, 27/08/2024

(BKTO) - Chất lượng tài sản, nợ xấu là mối quan ngại của các ngân hàng kể từ năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn nữa khi các ngân hàng thực hiện các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ - các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.
no-xau.jpg

Trong báo cáo Điểm lại kinh tế vĩ mô tháng 8/2024, WB cho biết: Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên.

Theo số liệu mới nhất có được, nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh, từ 1,9% năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ cho vay năm 2023, chủ yếu do ghi nhận nợ xấu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Mặc dù vậy, tổng nợ vay được coi là xấu có thể lên đến 7,9% nếu tính cả các khoản vay được tái cơ cấu và nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Số liệu mới nhất quý I/2024 cho thấy tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại niêm yết, chiếm 83% tổng dư nợ tín dụng trong khu vực ngân hàng, tăng từ 1,9% trong quý IV/2023 lên 2,2% trong quý I/2024, trong điều kiện nợ xấu tăng kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại.

Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch, tiếp tục được gia hạn và dự kiến chấm dứt vào tháng 12/2024. Điều này có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa.

ba-sati.png

Nợ xấu sẽ tăng lên, đòi hỏi các ngân hàng nâng cao khả năng theo dõi và phản ứng nhanh, tránh những rủi ro ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

 Bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB 

Cũng theo WB, nhu cầu dự kiến về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay đang tạo thêm áp lực cho lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã bị co kéo do thu nhập ròng tiền lãi, phí và hoa hồng đang chững lại.

Để giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương và rủi ro đối với thị trường ngân hàng, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB – khuyến nghị: Các cấp có thẩm quyền có thể khuyến khích các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm cả việc phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh do quan hệ liên kết giữa ngân hàng với các tập đoàn doanh nghiệp) và can thiệp sớm (xác định sớm vấn đề và phòng ngừa xảy ra khủng hoảng lan rộng).

Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng đã được tăng cường qua đợt sửa đổi gần đây nhưng hiện vẫn còn bất cập trong một số nội dung bao gồm củng cố giám sát hợp nhất cả tập đoàn, đặc biệt ở các ngân hàng có liên kết với lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, WB cũng lưu ý một số nội dung khác cần cải thiện như xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng, phòng vệ pháp lý cho cán bộ giám sát. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước chưa có đủ thẩm quyền và công cụ xử lý để xử lý những ngân hàng không còn khả năng tồn tại. Ưu tiên đặt ra là cần tăng cường nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước về những nội dung đó trong những cải cách pháp luật sắp tới cho khu vực tài chính, bao gồm thông qua sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các chuyên gia của WB cho biết thêm: Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất do đã tồn tại chênh lệch lãi suất lớn giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế, bên cạnh áp lực về tỷ giá. Chính sách tiền tệ của Việt Nam mang tính thích ứng, tùy thuộc vào tác động của các cú sốc từ bên ngoài./.

THÀNH ĐỨC