Phát triển ngành du lịch đang gặp phải nhiều thách thức
Đầu tư - Ngày đăng : 16:25, 07/12/2018
(BKTO) - Năm 2020, ngành Du lịch đặt mục tiêu cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này của ngành du lịch đang vướng phải nhiều thách thức...
Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra trong hai ngày 05- 06/16, tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, thách thức mà ngành Du lịch đang gặp phải cũng như đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này.
Diễn đàn do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng và đóng góp của ngành du lịch trong 5 năm tới là tăng tỷ lệ đóng góp GDP từ 7,5% năm 2017 lên 12% năm 2022. Dự kiến, trong dịp này, các nhà đầu tư sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác, đầu tư về du lịch để triển khai từ năm 2019, với tổng giá trị 2 tỷ USD.
Theo báo cáo trình bày tại Diễn đàn, một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá cũng như tạo động lực mới để ngành du lịch phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Quang Tùng cho biết, Bộ đang được Chính phủ giao thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm. “Ngày 05/12, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng DN với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực...” - ông Tùng nói.
Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. Để đạt mục tiêu này, Chính Phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành du lịch hiện tại... Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào... sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại Diễn đàn |
Là một quốc gia có đường bờ biển kéo dài từ Bắc đến Nam, sở hữu nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn được quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việt Nam vẫn chưa thu hút được lượng khách có chi trả cao từ du lịch tàu biển. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng, du lịch thiếu sự kết nối giữa các vùng miền.
PGS,TS. Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch cho rằng: Hiện nay nguồn nhân lực du lịch chưa đạt được con số 1 triệu, trong đó theo đánh giá Bộ VH,TT&DL, có 60-70% đã qua đào tạo, con số này còn là dấu hỏi lớn, đào tạo đó đã đáp ứng chất lượng cao hay chưa còn bỏ ngỏ?
Tại Diễn đàn nhiều rào cản, thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch đã được các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung vào các vấn đề về cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao... cũng như các vấn đề về chính sách miễn thị thực để thu hút du khách, tăng nguồn lực đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu du lịch.
Theo Tổng cục Du lịch, hơn 14 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018, tăng trên 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng này, du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đón trên 15 triệu lượt khách trong năm nay. |
Tin và ảnh: Nguyễn Lộc