Củng cố bằng chứng kiểm toán thông qua kiểm tra, đối chiếu
Kiểm toán - Ngày đăng : 15:01, 28/08/2024
Thống nhất nhận thức về kiểm tra, đối chiếu
Việc kiểm tra, đối chiếu đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019: “Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”.
Ngày 12/12/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1536/QĐ-KTNN về ban hành Quy định việc kiểm tra, đối chiếu với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN (Quy định 1536).
Quy định 1536 sửa đổi, bổ sung và thay thế Quyết định 155/QĐ-KTNN ngày 18/02/2021 của KTNN quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN (Quy định 155).
Quy trình kiểm toán của KTNN ban hành kèm theo Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN ngày 29/5/2023 cũng đã quy định cụ thể về việc kiểm tra, đối chiếu.
Tại Hội thảo “Kinh nghiệm kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán và đánh giá, xếp loại Đoàn kiểm toán nhà nước” do KTNN tổ chức ngày 28/8, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: hoạt động kiểm tra, đối chiếu của KTNN ngày càng đi vào nền nếp, quy củ; tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong kiểm tra, đối chiếu bao gồm cả chủ quan và khách quan, nhất là cách hiểu chưa thống nhất, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, đối chiếu chưa cao.
Vì vậy, cần trao đổi, thống nhất nhận thức trong tổ chức thực hiện các quy định, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán.
Bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, Vụ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy định 155 và Quy định 1536 về mục tiêu kiểm tra, đối chiếu; nguyên tắc kiểm tra, đối chiếu; nội dung kiểm tra, đối chiếu; thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra, đối chiếu; về thực hiện kế hoạch kiểm tra đối chiếu...
Theo đó, mục tiêu của kiểm tra, đối chiếu nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp để giúp kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) đưa ra ý kiến, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán phù hợp với mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn của cuộc kiểm toán.
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 nguyên tắc kiểm tra, đối chiếu. Một là, trong quá trình kiểm toán, KTVNN áp dụng các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện các nội dung kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có phát hiện kiểm toán hoặc có cơ sở nghi ngờ tiềm ẩn rủi ro có liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, xét thấy cần kiểm tra, đối chiếu để thu thập, củng cố bằng chứng kiểm toán từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, KTVNN báo cáo tổ trưởng tổ kiểm toán đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, đối chiếu theo hướng dẫn tại Quy định này. Chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán khi KTVNN đã sử dụng các phương pháp thu thập bằng chứng tại đơn vị được kiểm toán nhưng KTVNN không đủ cơ sở để đánh giá, xác nhận phù hợp với mục tiêu, nội dung của cuộc kiểm toán.
Hai là, các trường hợp khác thực hiện kiểm tra, đối chiếu ngoài nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Ba là, việc kiểm tra, đối chiếu chỉ được thực hiện sau khi kế hoạch kiểm tra, đối chiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải tuân thủ nội dung, phạm vi, thời gian, địa điểm, thành phần kiểm tra, đối chiếu theo kế hoạch đã được phê duyệt cũng như các hướng dẫn tại Quy định này.
Kiểm tra, đối chiếu để củng cố bằng chứng kiểm toán
Ông Mai Văn Tân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII - cho rằng, quy định về kiểm tra đối chiếu được quy định rõ trong các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Việc kiểm tra, đối chiếu đã giúp các đoàn kiểm toán của KTNN thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán phù hợp.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đối chiếu của KTNN nói chung và của các KTNN khu vực nói riêng vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Chẳng hạn, vẫn còn cách hiểu khác nhau giữa các KTNN chuyên ngành, khu vực về định nghĩa thế nào là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Để nâng cao tính tuân thủ pháp luật và hiệu quả công tác đối chiếu thông qua hoạt động kiểm toán, ông Mai Văn Tân đề xuất, trước hết, KTNN cần tiếp tục phối hợp với ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân các địa phương trong hoạt động kiểm toán và cơ chế phối hợp với cơ quan liên quan trong việc thông báo, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán thực hiện nghiêm chỉnh công tác kiểm tra, đối chiếu theo quy định pháp luật.
Thứ hai, thống nhất cách hiểu toàn ngành về hoạt động kiểm tra, đối chiếu, trong đó, cần phân biệt đối chiếu với bên thứ ba, kiểm toán chọn mẫu các nội dung cần thiết tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc đơn vị được kiểm toán.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên, tổ trưởng tổ kiểm toán trong thực hiện kiểm tra, đối chiếu cũng như trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán và các đơn vị tham mưu.
Thứ tư, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm cũng như giúp kiểm toán viên cập nhật, nắm bắt kịp thời các phương pháp thủ tục đối chiếu phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Tín - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V nêu vấn đề, khi kiểm toán tại cơ quan thuế về việc thực hiện nghĩa vụ đất đai của địa phương, doanh nghiệp, mặc dù cơ quan thuế đã cung cấp đủ hồ sơ thuế (do sở tài nguyên cung cấp) nhưng khi kiểm toán phát hiện có sai sót trong quy hoạch, giao đất..., nếu không xác nhận số liệu với cơ quan tài nguyên môi trường thì KTNN không đủ cơ sở để kết luận tại báo cáo kiểm toán. Vì vậy, trường hợp này cần kiểm tra, đối chiếu với cơ quan tài nguyên, môi trường để thu thập đủ bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán.
Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho rằng, kiểm toán viên phải hiểu đúng về kiểm tra, đối chiếu và phân biệt được nghiệp vụ kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán thông thường với kiểm tra, đối chiếu đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan (bên thứ 3) và tác nghiệp đúng quy trình.
Theo CMKTNN 1500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính, kiểm tra, đối chiếu là nghiệp vụ kiểm toán, bất cứ kiểm toán viên nào cũng phải thực hiện. Còn trong quá trình thực hiện kiểm toán, khi tổ kiểm toán nhận thấy nội dung nào không đủ bằng chứng và không đủ tư liệu để đưa ra ý kiến về vấn đề, nội dung kiểm toán thì đề xuất với trưởng đoàn, trưởng đoàn phê duyệt kế hoạch kiểm tra, đối chiếu với đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan (bên thứ 3) để tìm kiếm thêm bằng chứng kiểm toán để khẳng định hồ sơ, tài liệu, báo cáo là trung thực, hợp lý.
GS,TS Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - nhấn mạnh: cần thực hiện nguyên tắc chung là: khi đã áp dụng các thủ tục kiểm toán khác nhưng đoàn kiểm toán vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng kiểm toán để kết luận thì kiểm toán viên thực hiện kiểm tra, đối chiếu sâu hơn với bên thứ 3.
Tuy nhiên, kiểm toán viên phải trình cấp có thẩm quyền kế hoạch kiểm tra, đối chiếu gồm: phạm vi, nội dung, thời gian và cách thức đối chiếu.
Đặc biệt, đoàn kiểm toán phải phân tích, đánh giá được rủi ro, nguy cơ có sai sót, gian lận của đơn vị và phải dự tính được hiệu quả của việc kiểm tra, đối chiếu...; lãnh đạo đoàn kiểm toán phải xem xét kỹ các yếu tố này trước khi phê duyệt kế hoạch kiểm tra, đối chiếu để việc kiểm tra, đối chiếu thực sự củng cố đầy đủ bằng chứng, làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán./.