Cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán

Kiểm toán - Ngày đăng : 06:22, 29/08/2024

(BKTO) - Ông Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán nhà nước) khẳng định, việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
7-mr-quan-hai.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) Nguyễn Quán Hải

Thưa ông, Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ký ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước. Là đơn vị chủ trì soạn thảo, xin ông cho biết về sự cần thiết ban hành Quy chế này?

Ngày 20/8/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 1495/QĐ-KTNN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước (Quy chế). Quy chế được ban hành trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Bởi vì:

Thứ nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là các văn bản điều chỉnh quan trọng liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán của KTNN. Do vậy, cần phải cụ thể hóa các quy định trên vào Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán.

Thứ hai, từ năm 2020 đến nay, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mới quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN như: Quy trình kiểm toán, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng… Vì vậy, cần phải rà soát để các quy định đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản.

Thứ ba, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN ngày 19/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước qua hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức hoạt động.

Như ông vừa chia sẻ, việc ban hành Quy chế là nhằm cụ thể hóa các quy định của Bộ Chính trị liên quan đến hoạt động kiểm toán. Xin ông có thể thông tin cụ thể về những nội dung đáng chú ý trong Quy chế?

Quy chế mới ban hành đã cụ thể hóa Quy định số 131-QĐ/TW và Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Trong đó, về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán, Quy chế bổ sung cụ thể các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán được quy định tại Điều 4 Quy định số 131-QĐ/TW, như: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đơn vị được kiểm toán hoặc người có liên quan đến đơn vị được kiểm toán; để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm toán; bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm…

Về các trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán, ngoài các trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định của Luật KTNN, như: Mua cổ phần, góp vốn hoặc có quyền, lợi ích liên quan với đơn vị được kiểm toán; đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán của các năm tài chính được kiểm toán…, Quy chế đã quy định trường hợp không bố trí tham gia Đoàn kiểm toán đối với trường hợp có quan hệ là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật với đơn vị được kiểm toán hoặc cùng là thành viên Đoàn kiểm toán theo Quy định số 131-QĐ/TW.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán, ngoài việc quy định trên cơ sở Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN, Quy chế bổ sung một số quy định cho phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW, các văn bản mới ban hành hoặc phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, như: Trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong Đoàn kiểm toán, trong đó Trưởng Đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Tổ kiểm toán.

Bên cạnh đó, Quy chế đã sửa đổi, bổ sung Điều 18 về tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ thành viên Đoàn kiểm toán theo Quy định số 148-QĐ/TW,;trong đó, quy định rõ về căn cứ tạm đình chỉ, thẩm quyền tạm đình chỉ.

Ngoài những nội dung trên, Quy chế còn có những điểm mới nào nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của Đoàn kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN, thưa ông?

Ngoài những nội dung cụ thể hóa Quy định số 131-QĐ/TW và Quy định số 148-QĐ/TW, Quy chế còn có một số quy định mới đáng chú ý:

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, do văn bản được ban hành dưới hình thức văn bản quản lý nên phạm vi điều chỉnh của Quy chế chỉ quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán được thành lập theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, mối quan hệ công tác, lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán, Quy chế bổ sung một số quy định, như việc sắp xếp, số hóa, tạo lập hồ sơ kiểm toán trên phần mềm; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; về trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong Đoàn kiểm toán...

Liên quan đến quy định về các trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán, ngoài quy định cho phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW, Quy chế bổ sung trường hợp “không đủ thời gian làm việc theo quy định tại Điều 21 của Quy chế và trường hợp đặc biệt Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định” để các đơn vị chủ động sắp xếp nhân sự đối với một số trường hợp đã có quyết định học tập, đào tạo, đi công tác…; đồng thời vẫn có quy định trong trường hợp đặc biệt do Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định để phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Quy chế nêu rõ quy định tổng số ngày nghỉ của mỗi thành viên Đoàn kiểm toán không quá 10% tổng thời gian tham gia Đoàn kiểm toán. Đồng thời, tổng số ngày nghỉ tại mỗi đơn vị được kiểm toán chi tiết của mỗi thành viên Tổ kiểm toán không quá 10% tổng thời gian kiểm toán tại mỗi đơn vị. Bên cạnh đó, Quy chế vẫn để mở trường hợp đặc biệt do Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Về các mối quan hệ có liên quan đến Đoàn kiểm toán, Quy chế đã bổ sung quy định trong thời gian tham gia Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán phải chấp hành sự chỉ đạo, điều hành, quản lý của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán; đồng thời, có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của KTNN thực hiện nhiệm vụ theo quy định của KTNN.

Ngoài ra, Quy chế cũng đã sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước, như: Quy trình kiểm toán; Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước…

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

ĐĂNG KHOA (thực hiện)