Nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:05, 07/12/2018
(BKTO) - Chiều 6/12, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội”, đã tổ chức Tọa đàm khoa học nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học góp ý cho Dự thảo Đề tài.
Quang cảnh Tọa đàm |
Tham dự Tọa đàm có đại diện Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học KTNN và đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN.
Trình bày khái quát những nét chính của Đề tài, TS. Nguyễn Hữu Hiểu cho biết, về nguyên tắc, Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN sau khi xem xét báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN, báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đây là các kênh thông tin không thể thiếu để Quốc hội thực hiện quyền hạn, trách nhiệm quan trọng của mình đối với hoạt động thu, chi, cân đối NSNN.
Trong đó, thông tin kết quả kiểm toán NSNN của KTNN có vị trí đặc biệt quan trọng, đảm bảo tính trung thực, khách quan, có độ tin cậy cao. Thực tiễn hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội thời gian qua đã chứng minh ý nghĩa quan trọng này. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng tin và sử dụng thông tin kiểm toán trong quá trình thực thi nhiệm vụ quyền hạn của mình liên quan đến NSNN nói chung và trong thẩm tra, phê duyệt quyết toán NSNN nói riêng.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy thông tin về kết quả kiểm toán quyết toán NSNN cung cấp còn không ít hạn chế, khiến hiệu quả sử dụng thông tin kiểm toán trong phục vụ công tác thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN chưa cao; sự quan tâm và sử dụng kết quả kiểm toán của một bộ phận đại biểu dân cử chưa nhiều; không ít đại biểu Quốc hội chưa khai thác hiệu quả thông tin kiểm toán được cung cấp trong phê chuẩn quyết toán NSNN…
Thực tế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ phía Quốc hội và cả từ phía KTNN. Thực trạng đó đặt ra sự cần thiết về lý luận và thực tiễn nghiên cứu đề tài khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội”.
Với mục tiêu nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN, phục vụ công tác thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội, Đề tài định hướng nghiên cứu một cách có hệ thống, tổng thể về toàn bộ quy trình từ xác định yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ kiểm toán NSNN, tổ chức thực hiện kiểm toán NSNN; tổng hợp kết quả kiểm toán, cung cấp và sử dụng thông tin phục vụ Quốc hội thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN.
Nội dung chính của Đề tài được trình bày thành 3 chương: Những vấn đề lý luận cơ bản về sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội; Thực trạng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội Việt Nam; Phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội.
Tại Tọa đàm, thảo luận, góp ý vào Dự thảo Đề tài, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các đơn vị đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của đề tài cũng như những nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm trong triển khai nghiên cứu. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài cân nhắc, nghiên cứu làm rõ hơn về tên gọi của đề tài, đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm đánh giá chất lượng sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN trong hoạt động thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội. Đồng thời, cần nghiên cứu, đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt là giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn để nâng cao hiệu quả tiếp nhận và sử dụng thông tin từ kết quả kiểm toán của các đại biểu Quốc hội… Ban Chủ nhiệm cũng cần rà soát, sắp xếp trình bày vấn đề nghiên cứu, các chương, mục đảm bảo tính logic, chặt chẽ.
Các ý kiến góp ý sẽ là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện đề tài.
Đ. KHOA